Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) vừa thông báo cổ phiếu GAB của CTCP Khai khoáng & Quản lý Tài sản FLC rơi vào diện đình chỉ giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 (quá 6 tháng so với quy định). GAB là mã chứng khoán từng bị ông Trịnh Văn Quyết thao túng giá.
Trước đó, HoSE đã chuyển cổ phiếu GAB từ diện kiểm soát sang hạn chế giao dịch (kể từ ngày 7/10/2022). Nguyên nhân do GAB chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022 quá 45 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị hạn chế giao dịch. Cổ phiếu GAB chỉ được giao dịch phiên chiều theo phương thức khớp lệnh tập trung và giao dịch thỏa thuận.
Ngoài ra, cổ phiếu GAB cũng đang được theo dõi ở diện kiểm soát do không có giao dịch trong vòng 9 tháng. Trước đó, năm 2020, ở thời kỳ bùng nổ, bình quân giao dịch của GAB hơn 100.000 cổ phiếu/phiên. Hiện, GAB là cổ phiếu có thị giá cao thứ 2 trên sàn HoSE, ở mức với 196.400 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, GAB từng có công văn giải trình và nêu biện pháp khắc phục việc không có giao dịch và chậm nộp báo cáo tài chính. Cụ thể, công ty cho biết việc có giao dịch hay không hoàn toàn là do ý chí, nhu cầu của nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán, công ty không có can thiệp, tác động đến hoạt động giao dịch của nhà đầu tư.
GAB khẳng định đã nhiều lần liên hệ các đơn vị kiểm toán để ký kết hợp đồng và thực hiện việc soát xét báo cáo tài chính bán niên 2022 nhưng không nhận được phản hồi tích cực. Công ty cho rằng đây là khó khăn mang tính thời điểm, sự việc bất khả kháng do ảnh hưởng từ vụ việc Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt.
GAB cam kết sau khi phối hợp cùng đơn vị kiểm toán đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, công ty sẽ nhanh chóng hoàn thiện báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022 và công bố thông tin theo quy định. Tuy nhiên, đã quá 6 tháng so với thời hạn quy định, GAB vẫn chưa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022.
Như vậy, sau thông báo mới của HoSE, nhóm FLC chỉ còn 2 đại diện trên sàn, là KLF (CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS), AMD (CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone). Tuy nhiên, 2 cổ phiếu này đều bị hạn chế giao dịch. KLF chỉ được giao dịch thứ 6 hàng tuần, và AMD chỉ được giao dịch phiên chiều.
Các mã khác trong “họ” FLC là HAI (Nông dược HAI), ART (Chứng khoán BOS) đã bị đình chỉ giao dịch. Còn FLC (Tập đoàn FLC) và ROS (FLC Faros) bị huỷ niêm yết. HoSE ra quyết định hủy niêm yết với FLC, ROS do doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin. Cơ quan quản lý xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Ngoài KLF, các cổ phiếu nêu trên đều bị ông Trịnh Văn Quyết thao túng giá. Cơ quan điều tra xác định, từ 1/9/2016 – 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái lập nhiều tài khoản để giao dịch thao túng giá với 6 mã chứng khoán: FLC, ROS, ART, HAI, AMD, GAB.
Tác giả: Việt Linh
Nguồn: Tiên Phong