“Sẽ chưa có hồi kết nào cho chu kỳ tăng lãi suất này chừng nào Chủ tịch Fed Jerome Powell còn chưa gây ra một cuộc suy thoái thực sự”…
Xem thêm: Suy thoái kinh tế là gì? Nên đầu tư gì trong giai đoạn kinh tế suy thoái?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không thể dừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ chừng nào nền kinh tế nước này còn chưa rơi vào suy thoái – theo chuyên gia kinh tế trưởng về Mỹ của công ty nghiên cứu và tư vấn TS Lombard, ông Steven Blitz.
“Sẽ chưa có một hồi kết nào cho chu kỳ tăng lãi suất này chừng nào Chủ tịch Fed Jerome Powell còn chưa gây ra một cuộc suy thoái thực sự, với tỷ lệ thất nghiệp tăng. Chỉ tới lúc đó Fed mới dừng tăng lãi suất”, ông Blitz nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC.
Vị chuyên gia nhấn mạnh rằng Fed đang thiếu rõ ràng về một mức lãi suất cực đại của chu kỳ thắt chặt này, và nguyên nhân của điều đó nằm ở việc nền kinh tế Mỹ chưa giảm tốc. “Họ chưa biết lãi suất sẽ phải tăng đến đâu, vì họ chẳng biết lạm phát bao giờ mới được khống chế nếu như không xảy ra suy thoái kinh tế”, ông Blitz nói.
Trong hai buổi điều trần trước Quốc hội vào ngày thứ Ba và thứ Tư, ông Powell nói rằng dữ liệu kinh tế mạnh hơn dự kiến trong những tuần gần đây cho thấy “mức lãi suất tối đa có thể sẽ cao hơn so với dự kiến trước đây” để lạm phát có thể được kiểm soát một cách thực sự.
Cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) – bộ phận ra quyết sách trong Fed – sẽ diễn ra vào ngày 21-22/3. Cuộc họp này được dự báo sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với thị trường tài chính toàn cầu, vì nhà đầu tư đáng nóng lòng chờ xem liệu Fed sẽ tăng lãi suất với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm hay 0,5 điểm phần trăm.
Vào thời điểm tháng 12 năm ngoái, thị trường dự báo bình quân lãi suất Fed sẽ đạt đỉnh ở mức 5,1%. Nhưng gần đây, dự báo lãi suất cực đại đã tăng lên nhiều. Ngân hàng Goldman Sachs nâng dự báo về lãi suất cực đại của Fed lên 5,5-5,75% vào hôm thứ Ba tuần này, sau buổi điều trần đầu tiên của ông Powell, phù hợp với kỳ vọng của thị trường được phản ánh qua dữ liệu từ thị trường lãi suất tương lai do CME Group cung cấp.
“Sẽ có một cuộc suy thoái, và Fed sẽ phải tăng lãi suất lên tới mức mà tỷ lệ thất nghiệp lên ít nhất 4,5%. Tôi đoán Fed chỉ dừng tăng lãi suất ở mức 5,5%”, ông Blitz nói.
Vị chuyên gia lưu ý rằng đã xuất hiện những dấu hiệu của sự giảm tốc kinh tế, thể hiện qua các đợt sa thải lớn trong ngành tài chính và công nghệ, cùng thị trường bất động sản chững lại. Ông cho rằng cùng với tình trạng suy yếu của thị trường chứng khoán Mỹ, “sự suy giảm thanh khoản của các tài sản và khởi đầu của một thời kỳ thắt chặt tín dụng” khi các ngân hàng cắt giảm cho vay có thể sắp xảy đến.
“Nếu suy thoái xảy ra vào giữa năm nay, thì lãi suất cực đại sẽ là 5,5%. Còn nếu nền kinh tế vẫn giữ đà tăng trưởng, các số liệu vẫn mạnh, Fed sẽ còn tăng lãi suất cao hơn nữa, thậm chí có thể lên mức 6,5% để mọi thứ có thể thực sự giảm tốc và đảo chiều”, ông Blitz nhận định.
“Đối với các tài sản rủi ro mà nói, câu hỏi không phải là có giảm giá hay không mà là lúc nào sẽ giảm. Và tình trạng hiện nay càng kéo dài, lãi suất sẽ càng phải tăng cao”, ông nhấn mạnh.
Tháng 1 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 0,5% so với tháng trước, đảo ngược sự giảm tốc ghi nhận vào cuối năm 2022. Thị trường việc làm tiếp tục thắt chặt, thể hiện qua việc có thêm 517.000 công việc mới, con số lớn hơn nhiều so với dự báo, và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất 53 năm.
Báo cáo việc làm tháng 2 sẽ được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu tuần này, và báo cáo CPI tháng 2 sẽ được công bố vào ngày thứ Ba tuần tới.
Trong một báo cáo về lãi suất cực đại, Goldman Sachs cho rằng trong dự báo đưa ra sau cuộc họp tháng 3 này, Fed sẽ nâng mức lãi suất cực đại dự kiến thêm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái, lên mức 5,5-5,75%, cho dù FOMC có chọn nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm hay 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp này đi chăng nữa.
Goldman Sachs cũng dự báo các số liệu kinh tế trước cuộc họp tháng 3 sẽ “đan xen nhưng tổng thể vẫn vững”, tron đó lạm phát lõi tiếp tục tăng, đặt ra khả năng Fed sẽ tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm thay vì 0,25 điểm phần trăm.
“Trong những tháng gần đây, chúng tôi đã lập luận rằng trở ngại đối với tăng trưởng GDP từ các động thái thắt chặt tài khoá và tiền tệ trong năm ngoái đã bắt đầu giảm bớt, chứ không hề tăng lên. Điều đó có nghĩa là rủi ro chính đối với nền kinh tế hiện nay là một sự tăng tốc trở lại quá sớm, chứ không phải là một cuộc suy thoái sắp xảy đến”, các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs nhận định.
“Cuối tuần trước, chúng tôi đã lưu ý rằng tiêu dùng dường như đang là nhân tố hỗ trợ nhiều nhất cho tăng trưởng. Nếu vậy, Fed có thể sẽ tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến để thắt chặt các điều kiện tài chính và giữ tăng trưởng nhu cầu dưới mức tiềm năng để khiến cho thị trường việc làm cân bằng trở lại”.
Tác giả: Bình Minh
Nguồn: VnEconomy