Số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tháng 6 đạt 466.071, giảm 2% so với tháng 5 và cũng là tháng có lượng tài khoản mở mới cao thứ 2 lịch sử.
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tháng 6 đạt 466.071 đơn vị, giảm 2% so với tháng 5 và cũng là tháng có lượng tài khoản mở mới cao thứ 2 lịch sử.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm, cá nhân trong nước mở mới gần 1,85 triệu tài khoản chứng khoán, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm trước và cao hơn 21% so với mức 1,5 triệu tài khoản mở mới cả năm 2021.
Lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư tổ chức trong nước tháng 6 đạt 145 đơn vị, tăng trở lại 18% so với tháng trước.Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tới hết tháng 6 đạt hơn 6,1 triệu, tương đương 6,2% dân số. Trong khi đó, theo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045, số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số năm 2025 và 8% dân số vào năm 2030.
Lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nước ngoài tháng là 267 đơn vị, tăng 4,3% so với tháng 5. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mở mới 268 tài khoản chứng khoán, giảm 10%. Lượng tài khoản chứng khoán của tổ chức nước ngoài giảm 4.178 xuống 4.177 đơn vị do lượng đóng tài khoản nhiều hơn mở mới, trong khi con số tài khoản giảm ở tháng 5 là 42 đơn vị. Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài tại thời điểm cuối tháng 6 đạt 41.385.
Tổng số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt hơn 6,16 triệu ở thời điểm cuối tháng 6. Có một nghịch lý là số tài khoản mở mới liên tiếp xô đổ kỷ lục song thanh khoản toàn thị trường lại giảm mạnh. Tính riêng tháng 6 vừa qua, thanh khoản toàn thị trường trung bình 22.000 tỷ đồng/phiên trong khi thời kỳ huy hoàng của tiền rẻ thanh khoản có những phiên lên đến 40.000 tỷ đồng/phiên.
Tuy nhiên giá trị giao dịch bình quân 6 tháng năm 2022 vẫn cao hơn so với 6 tháng/2021. Tổng thanh khoản trên 3 sàn chính tăng 13,4% so với cùng kỳ lên 25.844 tỷ đồng/phiên trong 6 tháng năm 2022, trong đó giá trị giao dịch hàng ngày trên VN-INDEX và UPCOM-INDEX cũng tăng lên lần lượt là 21.701 tỷ đồng/phiên (+15,4% ) và 1,5 tỷ/phiên (+25,4%). Trong khi đó, giá trị giao dịch hàng ngày trên HNX-INDEX giảm xuống còn 2.623 tỷ đồng/phiên (-5,3%).
Theo dự báo của các công ty chứng khoán, phiên giao dịch ngày 8/7, thị trường có thể sẽ tiếp tục hồi phục và VN-Index có thể “test” vùng kháng cự 1.175 – 1.181 điểm.
Theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), sau nhịp điều chỉnh giằng co đầu phiên 7/7, VN-Index dần hồi phục và mở rộng đà tăng về cuối phiên. Lực cầu bắt đáy sớm nhập cuộc giúp cho chỉ số tránh được nhịp giảm sâu và để ngỏ cơ hội mở rộng nhịp hồi phục trong ngắn hạn.
Mặc dù vậy, với xu hướng giảm điểm vẫn đóng vai trò chủ đạo, VN-Index nhiều khả năng sẽ sớm gặp áp lực sung quanh ngưỡng 1.18x, hiện đã đảo vai trò trở thành vùng kháng cự gần của chỉ số. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục bán hạ tỷ trọng về ngưỡng an toàn trong các nhịp hồi sớm.
Chứng khoán BIDV (BSC) thì cho rằng, độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 14/19 ngành tăng điểm, trong đó mức tăng mạnh nhất thuộc về ngành Bảo hiểm. Về giao dịch của khối ngoại, phiên 7/7, khối này mua ròng trên sàn HOSE và bán ròng trên sàn HNX. Trong những phiên tới, thị trường có thể sẽ có diễn biến giằng co quanh vùng 1.160 để lấy đà bật lên. Nếu không thành công, chỉ số có thể sẽ giảm xuống ngưỡng 1.100.
Tác giả: Hồng Hương
Nguồn: 24h.com.vn