Theo chuyên gia, xu hướng tăng của lãi suất tiết kiệm vẫn còn tiếp diễn, và mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng 1,5 – 2% trong cả năm 2022.
Ngày 11/10, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã công bố biểu lãi suất huy động mới áp dụng cho khách hàng cá nhân. Lần điều chỉnh này, ngân hàng tăng mạnh ở các kỳ hạn ngắn.
Cụ thể, tại kỳ hạn 1 tháng, lãi suất tiết kiệm tại nhà băng này đã tăng từ 4%/năm lên 4,8%/năm, lãi suất kỳ hạn 2 tháng tăng 0,9 điểm % lên 4,9%/năm. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 3 tháng – 5 tháng tăng 0,2 điểm % lên 5%/năm – là trần quy định của Ngân hàng Nhà nước hiện nay.
Đối với kỳ hạn 6 – 8 tháng, lãi suất của ngân hàng tăng 0,8 điểm % lên 6,5%/năm. Tương tự, lãi suất kỳ hạn 9 tháng tăng với mức tương tự lên 6,6%/năm.
Xem thêm: Bảng so sánh lãi suất ngân hàng cập nhật hằng ngày mới nhất
MB vẫn giữ nguyên các mức lãi suất đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Nhà băng này áp dụng 6,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, 7%/năm cho kỳ hạn 15-18 tháng, 7,1% cho 24 tháng, 7,2% cho 36 tháng và 7,4%/năm cho kỳ hạn 60 tháng.
Với các khách hàng tại chi nhánh thuộc Miền Trung và Miền Nam, mức lãi suất sẽ cao hơn khoảng 0,1 điểm %. Tức khách hàng tại những khu vực này có thể nhận lãi suất cao nhất 7,5%/năm tại kỳ hạn 60 tháng.
Như vậy, sau 3 tuần kể từ khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành (từ ngày 23/9), các ngân hàng lớn như MB, Techcombank, VPBank, Sacombank đã có 2-3 lần điều chỉnh biểu lãi suất huy động. Trong khi đó, SHB, ACB và nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) chỉ mới tăng lãi suất một lần trong tuần cuối tháng 9.
Cũng từ ngày 11/10, một ngân hàng khác là NamABank cũng tăng lãi suất tiền gửi cho khách hàng. Cụ thể, lãi suất gửi online kỳ hạn từ 18 tháng tại nhà băng này đã tăng thêm 0,9%/năm lên 8,4%/năm. Hiện nay, khách hàng chỉ cần gửi kỳ hạn từ 12 tháng theo hình thức trực tuyến tại NamABank, không đi kèm điều kiện gì cũng có lãi suất từ 8%/năm.
Ngoài ra, ở các kỳ hạn ngắn, cụ thể như kỳ hạn 6 tháng, lãi suất ngân hàng này cũng tăng mạnh lên 7,6%/năm.
BacABank cũng thông báo biểu lãi suất mới từ ngày 11/10. Theo đó, người gửi tiền từ 1 tỷ đồng tại nhà băng này sẽ được nhậnlãi suất 8,2%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, 8,4%/năm cho kỳ hạn 18 tháng.
Tại Kienlongbank, lãi suất cao nhất đã tăng lên 8,6%/năm khi khách hàng gửi từ 1 năm trở lên. Đồng thời, với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất cũng tăng mạnh lên 8,1%/năm. Kienlongbank niêm yết mức tối đa 5%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, lãi suất tại các ngân hàng thương mại đã tăng thêm trung bình khoảng 1% sau quyết định tăng lãi suất tiết kiệm điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Nhìn chung, mặt bằng lãi suất đang khá nhiều chịu áp lực tại các NHTM do tỷ lệ LDR (dư nợ cho vay so với tổng vốn huy động) và tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn của nhiều NHTM đang ở mức cao. Ngoài ra, áp lực lạm phát và việc NHNN hút tiền VND về thông qua việc bán USD để ổn định tỷ giá cũng gây sức ép tới lãi suất huy động thời gian tới. Các áp lực này hiện vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt sớm.
Các chuyên gia chứng khoán VCBS thì nhận định, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng thương mại được xem là phản ứng hợp lý khi mặt bằng lãi suất ở nhiều quốc gia đang trong xu hướng tăng.
Tác giả: Minh Vy
Nguồn: Nhịp sống thị trường