Chia tiền vào nhiều ví để tiết kiệm, nhưng vẫn tiêu hoang

tiền tiết kiệm
5/5 - (2 votes)

Hoàng Lan (25 tuổi, quận 7) chia thu nhập thành nhiều phần nhỏ với mong muốn hạn chế tiêu xài, có khoản tiết kiệm. Tuy nhiên, việc này lại khiến cô ngày càng “vung tay quá trán”.

Sau nhiều lần rỗng ví, từ tháng 2/2022, Hoàng Lan bắt đầu tập lên kế hoạch quản lý chi tiêu.

Theo gợi ý từ các diễn đàn về tài chính cá nhân, cô chia thu nhập mỗi tháng thành nhiều phần để phục vụ các nhu cầu như xăng xe, mua sắm, chăm sóc sức khỏe. Cô còn chuyển tiền vào các ví điện tử riêng biệt, quy định rõ về giới hạn sử dụng.

Dù vậy, nữ nhân viên văn phòng thừa nhận gặp nhiều khó khăn với thói quen mới và vẫn chưa thể dành dụm được như dự định ban đầu.

“Việc phân chia thoạt nhìn có vẻ khoa học nên tôi khá tự tin, cho rằng mình có thể tiêu dùng khôn ngoan hơn. Tuy nhiên, mọi thứ không hề đơn giản. 1-2 tháng đầu, tôi cố gắng tuân thủ quy định, chỉ dùng tiền đúng mục đích của từng ví. Về sau, tôi xài sạch tiền trong từng tài khoản để sắm sửa và tự nhủ sẽ tiết kiệm sau. Cứ như vậy, mọi thứ lại quay về con số 0”, Lan nói.

Cũng như Hoàng Lan, nhiều bạn trẻ đang mắc kẹt với bài toán chi tiêu. Họ loay hoay, thử nhiều cách theo gợi ý từ Internet nhưng vẫn không thể quản lý tài chính cá nhân. Điều này khiến họ nản lòng, từ đó dễ sa vào tiêu xài quá trớn và nhẵn ví trong trường hợp cấp bách.

Càng chia nhỏ, càng tiêu nhiều

Tính đến thời điểm hiện tại, Minh Huy (24 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) có tổng cộng 4 ứng dụng ví điện tử. Anh cho rằng chia thu nhập thành nhiều phần sẽ giúp tránh cảnh dùng hết một lúc.

Đầu năm nay, Huy mở thêm tài khoản tiết kiệm, rót vào đây 40% thu nhập mỗi tháng với mong muốn dành dụm để chuẩn bị mua xe máy mới.

Tuy nhiên, anh thừa nhận nhiều lần “bòn rút” phần quỹ này để thỏa mãn các nhu cầu khác trong cuộc sống.

“Mở tài khoản tiết kiệm, tôi tự tin rằng mình luôn có ngân sách dự phòng, không thể rơi vào cảnh túng thiếu. Tôi bắt đầu chi mạnh tay hơn cho những thứ yêu thích như đồng hồ, quần áo hàng hiệu. Điều này khiến tôi quên mục đích ban đầu, xài hết ví này sang ví khác. Khi cạn tiền, tôi lấy quỹ để dành xài tiếp vì đã thật sự không còn gì để xoay xở cuộc sống”, Huy nói.

Ngọc Ánh thất bại khi tự ý phân chia các tỷ lệ tiêu dùng. Ảnh: NVCC.

Tương tự, Ngọc Ánh (24 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng loay hoay với bài toán chi tiêu. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô cố gắng chắt bóp, không tiêu nhiều cho hoạt động giải trí, chăm sóc ngoại hình. Hơn một năm trôi qua, Ánh thất vọng khi chỉ dành dụm được vỏn vẹn vài triệu đồng.

Tháng 3/2022, cô thử áp dụng quy tắc “6 chiếc lọ”. Theo đó, Ánh cần chia thu nhập tháng thành 6 phần, tương ứng với chi tiêu bắt buộc (điện nước, xăng xe, ăn uống), giải trí, giáo dục (mua khóa học kỹ năng, sách vở), đầu tư tự do, tiết kiệm dài hạn và từ thiện.

Ngay khi nhận lương, Ngọc Ánh chuyển tiền về các ví điện tử tương ứng nhằm đảm bảo sự rạch ròi.

Sau vài tháng theo đuổi phương pháp nói trên, Ánh bắt đầu nản chí, tự ý thay đổi tỷ lệ phân chia để phù hợp với mức tiêu của bản thân. Cô bắt đầu muốn thỏa mãn nhu cầu giải trí, mua sắm nhiều hơn, dẫn đến thâm hụt nặng các ‘lọ’ khác.

“Tôi nghĩ có thể dùng tiền xoay vòng, lấy khoản dư đắp vào chỗ thiếu, miễn không tiêu quá tay là được. Song tôi lại liên tục nhẵn ví vì tư duy này. Việc cố kiểm soát chi tiêu nay trở thành cái cớ để tôi phung phí hơn”, Ánh bày tỏ.

Mắc kẹt trong kế hoạch của chính mình

Ở thời điểm hiện tại, Ngọc Ánh đã lỡ chi quá tay cho việc đi du lịch và mua quần áo nên chỉ còn hơn 3 triệu đồng trong tài khoản để cầm cự tới cuối tháng, trong khi chưa đóng tiền nhà.

“Từ tháng tới, tôi chỉ gói ghém 50-60% tiền lương cho mục đích thực sự cần thiết như đi chợ, tiền thuê nhà, điện nước hay xăng xe. Phần còn lại sẽ gửi về cho bố mẹ giữ giúp nhằm hạn chế sử dụng tùy tiện. Ngoài ra, tôi cũng đang cân nhắc học đầu tư đơn giản để tiền không bị ‘chết’, hoặc đơn giản là có thêm một ít phòng trường hợp khẩn cấp”, cô nói thêm.

Một số người không xác định được mục đích tiết kiệm. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Trong khi đó, Minh Huy thường xuyên bị cha mẹ nhắc nhở, thậm chí la rầy bởi thói quen chi tiêu vô kỷ luật. Ở thời điểm hiện tại, anh vẫn chưa thực sự nghiêm túc với kế hoạch quản lý tài chính dù “luôn thấy có lỗi với chính mình”.

Theo khảo sát trên 1.000 người lao động tại Mỹ của BankRate, 21% không dành bất kỳ khoản thu nhập nào trong năm để đầu tư cho các mục đích ngắn hạn hoặc dài hạn. Nhóm tiết kiệm được hơn 1/10 tổng thu nhập chỉ chiếm 16%.

Đáng nói, những người này cũng chưa chắc dành dụm đủ để đối phó với các trường hợp khẩn cấp hoặc tự nuôi mình sau khi nghỉ hưu.

Ngoài ra, có khoảng 20% tình nguyện viên tham gia khảo sát, chủ yếu là người 23-38 tuổi, thừa nhận “không thấy tiết kiệm là việc cần thiết”. Bên cạnh đó, 16% cho rằng thu nhập chưa đủ cao để bắt đầu tích cóp.

Lối ra

Trao đổi với Zing, chị Nguyễn Kim Liên, founder Công ty tư vấn tài chính Amy Advise, cho biết ngày càng nhiều bạn trẻ có xu hướng “vung tay quá trán” dù trước đó cố lên kế hoạch chi tiêu. 60-70% khách hàng trẻ tuổi của chị đều không biết cách quản lý tài chính, tiết kiệm tiền bạc.

Theo chị, có 3 nguyên do chính dẫn đến tình trạng này:

Không xác lập mục tiêu dài hạn: Nhiều bạn trẻ muốn tích cóp, nhưng không biết phải cố gắng vì điều gì. Họ dễ rơi vào cạm bẫy của những thú vui ngắn hạn, không có ý nghĩa xây dựng cuộc sống trong tương lai. Đây là nguyên nhân khó xử lý nhất, khiến đa số bạn trẻ bỏ cuộc ngay từ giai đoạn đầu học tiết kiệm.

Thiếu kiến thức về tài chính cá nhân: Thay vì tìm hiểu về các loại hình đầu tư phù hợp, một số người chọn gửi tiền tiết kiệm ngân hàng, phụ thuộc hoàn toàn vào mức lãi suất được giới thiệu. Tuy nhiên, cần nhiều thời gian để số tiền ban đầu sinh lời. Vì vậy, họ dễ nản lòng, chấp nhận rút phần này ra để thỏa mãn nhu cầu sắm sửa ngay thời điểm đó.

Môi trường gia đình, tính cách riêng: Đây là nguyên nhân phụ, nhưng vẫn có tác động đến quyết định chi tiêu của mỗi người. Có người thiếu động lực kiếm và giữ tiền vì quen sống sung sướng từ bé. Số khác lại ngại sắm sửa, nỗ lực dành dụm do ám ảnh túng thiếu.

Nhiều người trẻ “vung tay quá trán” dù có kế hoạch tiết kiệm. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

“Người mới tập quản lý tiền nong cần hạn chế phức tạp hóa vấn đề. Việc ‘bỏ trứng nhiều giỏ’ thoạt nghe có vẻ khoa học nhưng thực chất không an toàn, đặc biệt với bạn trẻ chưa thực sự hiểu biết về tài chính”, chuyên gia khẳng định.

Bên cạnh đó, chị Kim Liên cũng gợi ý một số thói quen tốt có thể giúp hạn chế việc “vung tay quá trán” ở giới trẻ:

Luôn lập hạn mức chi tiêu: Hiểu đơn giản, đây là số tiền tối đa được phép bỏ ra để trải nghiệm, mua sắm điều gì đó, thậm chí là chi phí sinh hoạt bắt buộc (tiền thuê nhà, điện nước, xăng xe…). Mức quy định tùy thuộc vào lối sống, nhu cầu và mục đích của từng người.

Tiết kiệm trước, tiêu tiền sau: Khi đã lập kế hoạch tích cóp, bạn cần nghiêm túc thực hiện trước khi nghĩ đến các khoản chi cho giải trí, sắm sửa. Để làm được điều này, bạn có thể trích một phần thu nhập vào tài khoản tiền tiết kiệm ngay khi nhận lương bằng các công cụ tự động của ngân hàng, quỹ đầu tư.

Tự hỏi bản thân: Trước mỗi khoản chi, nên cân nhắc tính cần thiết, mức độ đáng tiền của sản phẩm và dịch vụ. Bên cạnh đó, xác định đúng thời điểm mua sắm cũng là điều cần được lưu ý kỹ càng. Nhờ đó, bạn sẽ không rơi vào trường hợp cháy túi dù còn nhiều khoản khác cần chi hơn.

Tác giả: Hồng Anh

Nguồn: Zing

Xem thêm: 7 mẹo tiết kiệm tiền dành cho Gen Z khi trở thành sinh viên