Thị trường chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng vẫn chưa ổn định

5/5 - (1 vote)

Tổng quan thị trường Việt Nam

VN-Index khởi đầu tuần với mức tăng gần 7 điểm khi đảo chiều ấn tượng từ đỏ sang xanh. Tuy nhiên, sự tích cực này không thể duy trì lâu khi chỉ số sụt giảm mạnh ngay phiên sau đó với mức giảm hơn 36 điểm. Trong 3 phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index liên tục bật tăng khi bên mua có sự nhập cuộc trở lại mạnh mẽ. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch vẫn chưa thật sự ổn định khi liên tục biến động tăng giảm mạnh, cho thấy dòng tiền của nhà đầu tư vẫn đang khá dè chừng. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng tổng cộng 25.94 điểm, tiến lên mức 1,061.85 điểm.

Đóng góp lớn nhất cho đà phục hồi của VN-Index chính là nhóm ngân hàng khi đóng góp 5 cổ phiếu nằm trong top 10 cổ phiếu tác động tích cực nhất tuần bao gồm BID, CTG, ACB, VCB và MBB.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành phố tại khu vực phía Nam đã phải trải qua “cơn sốt” về xăng dầu chưa từng có, cổ phiếu GAS đã có một tuần hết sức tích cực khi đóng góp cho VN-Index thêm 3.8 điểm.

Ngoài ra, ngành vật liệu xây dựng cũng có tuần giao dịch khởi sắc với sự trỗi dậy của nhóm cổ phiếu thép. Các ông lớn như HPG hay NKG cùng leo dốc lần lượt ở mức 10.51% và 14.9%, đặc biệt là HSG khi bứt phá tăng mạnh 19.92%.

Ở chiều ngược lại, cũng xuất hiện không ít cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng gây ảnh hưởng tiêu cực cho chỉ số VN-Index như TCB, TPB và HDB. Tuy nhiên, 3 cổ phiếu này chỉ làm giảm của chỉ số hơn 2 điểm. Mặt khác, các cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản mới cũng tác động tiêu cực đến VN-Index bao gồm VHM, NVL và VIC, trong đó VHM là cổ phiếu kéo giảm mạnh nhất trên sàn HOSE tuần qua với hơn 2 điểm.

Phân tích cổ phiếu

VND

  • Trong bối cảnh thanh khoản 2 sàn HOSE, HNX giảm khoảng 20% về giá trị, thanh khoản phái sinh cũng sụt giảm khoảng 15% trong Quý 3 so với Quý 2. Thị phần môi giới chứng khoán và phái sinh của VND cũng giảm đồng loạt. Vì thế, việc mất bớt thị phần vào tay đối thủ cũng như doanh thu và lợi nhuận của VND đến từ phí giao dịch trong Q3 khả năng cao sẽ kém khả quan.
  • Phân loại: Tiêu cực

VIB

  • Lợi nhuận 9 tháng của VIB tăng 46% so với cùng kỳ, ROE 30%. Bên cạnh đó, VIB là ngân hàng có tỷ trọng danh mục cho vay mảng bán lẻ (vay thẻ tín dụng, tiêu dùng) lớn, có thể sẽ chống chịu tốt so với các ngân hàng khác trong giai đoạn các mảng cho vay truyền thống lớn như BDS, chứng khoán…đang gặp khó khăn.
  • Phân loại: Tích cực

TPB

  • TPB công bố lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2022 tăng 35% so với cùng kỳ. Các con số về tổng thu nhập nhập hoạt động, thu nhập từ lãi và dịch vụ đều tăng trưởng 2 con số ấn tượng nhưng cần xem kỹ bảng cân đối kế toán của TPB để đánh giá rõ hơn về rủi ro trái phiếu và chất lượng tài sản của TPB hiện tại.
  • Phân loại: Trung lập

TLG

  • Lợi nhuận sau thuế tạm tính 8 tháng đầu năm của TLG tăng trưởng mạnh 137% so với cùng kỳ, thể hiện sự hồi phục mạnh mẽ kể từ giai đoạn dịch Covid bùng phát gây đóng cửa trường học/văn phòng trong năm 2021. Với mức P/E hợp lý, cơ cấu nguồn vốn gần như không hề có nợ vay, ngành nghề kinh doanh ít biến động, TLG có thể là một lựa chọn tốt cho danh mục đầu tư phòng thủ.
  • Phân loại: Tích cực

*** Lưu ý: Trên đây là thông tin mà Infina đã nghiên cứu. Thông tin này không được xem như lời đề nghị mua hay bán bất kỳ cổ phiếu nào. Với mọi quyết định đầu tư, bạn hãy tự đánh giá kỹ lưỡng và đặt ra mục tiêu rõ ràng cho bản thân.

Đừng quên, chương trình cổ phiếu miễn phí dành cho cho chứng sĩ hàng tuần khi đầu tư chứng khoán tại Infina vẫn đang diễn ra sôi nổi bạn nhé!

ĐẦU TƯ NGAY