Một trong những ký ức đầu tiên của tôi về đầu tư tài chính đến từ bộ phim truyền hình Hồng Kông thập niên 90: “Đại Thời Đại”. Cao trào trong bộ phim là giai đoạn khủng hoảng tài chính khiến giá cổ phiếu đi xuống trầm trọng.
Ở đó, khắc họa hình ảnh một người đàn ông tung một nắm giấy lên trời, điên loạn nói rằng những tấm cổ phiếu này còn thua cả giá tờ giấy lộn, và gieo mình xuống từ tầng cao đầy phẫn uất.
Đầu tư cổ phiếu, trong mắt con bé chừng 10 tuổi là tôi lúc ấy, thật đáng sợ đến nhường nào. “Mình sẽ không bao giờ mua cổ phiếu” – tôi thì thầm trước màn hình tivi.
Bẵng đi hơn 20 năm, ngày nay tôi không những đầu tư vào rất nhiều cổ phiếu mà còn đầu tư bất động sản, kinh doanh và nhiều hạng mục khác.
Và cũng như hầu hết các nhà đầu tư khác, tôi từng chứng kiến biểu đồ portfolio (danh mục đầu tư) của mình lên lên, xuống xuống; thậm chí có giai đoạn mất tời hàng ngàn đô-la một ngày. Nhưng tôi vẫn kiên trì theo các phương án đầu tư “chậm mà chắc” của mình, vượt qua nhiều sóng gió và phát triển portfolio tới ngày nay.
Điều gì đã khiến tôi thay đổi nhiều tới vậy? Liệu tôi đã quên đi bài học năm 10 tuổi?
Sự thật là, cùng với sự trưởng thành và hiểu biết hơn về tài chính, tôi nhận ra rằng bên cạnh bài học về rủi ro trong đầu tư mà bộ phim truyền hình Hồng Kông kia (cũng như rất nhiều câu chuyện mang tính chất “dọa dẫm” khác chúng ta vẫn nghe hàng ngày) thì có một bài học khác mà ít ai nhắc tới: Rủi ro khi không đầu tư.
Vậy nếu không đầu tư, thì ta có thể phải chịu những rủi ro gì? Cùng Infina tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Nội dung chính
1. Rủi ro do lạm phát
Lạm phát, hiểu một cách đơn giản, xảy ra khi giá cả các mặt hàng và dịch vụ tăng cao, dẫn đến giá trị của đồng tiền xuống thấp.
Trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ lạm phát trung bình ở Việt Nam khoảng dưới 4% và tỷ lệ này tại Mỹ (quốc gia tôi đang ở) là dưới 3%. Mặc dù vậy, ảnh hưởng của COVID-19 cùng với những biến động về chính trị thế giới có thể đẩy giá xăng dầu, thực phẩm, các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu lên cao trong thời gian tới.
Vì lạm phát là không thể tránh khỏi, việc để tiền mặt ở một chỗ quá lâu đồng nghĩa với việc số tiền bạn cất công gìn giữ sẽ bị thất thoát ít nhất vài phần trăm một năm. Đúng vậy, dù bạn cất tiền kỹ đến thế nào—dưới gối, trong lọ, hay két sắt—thì nó cũng sẽ “bốc hơi” dần theo thời gian.
Bởi vậy, điều tốt hơn cả trong rủi ro khi đầu tư là hãy dành một khoản tiền nhàn rỗi ở đâu đó rồi đầu tư cho hiệu quả cao hơn. Hoặc chí ít, hãy để tiền vào tài khoản tiết kiệm có mức lãi suất cao hơn mức lạm phát trung bình để bảo toàn giá trị đồng tiền bạn vất vả mới kiếm được.
Xem thêm: Đầu tư gì khi lạm phát? TOP 5 cách đầu tư lúc lạm phát vô cùng hiệu quả
2. Rủi ro mất lãi suất kép
Lãi suất kép (compound interest) là khoản lãi cộng dồn có được dựa trên số lãi mà bạn kiếm được từ khoản đầu tư trước đó. Đây là một trong những rủi ro lớn khi bạn không đầu tư.
Hiểu một cách đơn giản, khi bạn đầu tư 100 đồng và được lãi 1 đồng, khoản lãi 1 đồng đó lại tiếp tục sinh lãi tiếp theo. Qua thời gian dài, “lãi mẹ đẻ lãi con” theo nghĩa tích cực sẽ khiến bạn có một khoản thu nhập thụ động hoàn toàn.
Đây chính là sức mạnh diệu kỳ của lãi suất kép — phần thưởng cho những nhà đầu tư lâu dài.
Nếu bạn không đầu tư, đồng nghĩa với việc không có số lãi ban đầu, và vì thế, sẽ không có lãi kép. Bạn sẽ mất đi cơ hội để đồng tiền của mình tự vận động và tự “sản sinh” thêm theo cấp số nhân với lãi kép.
Nhưng nếu đầu tư không sinh lãi thì sao? Đây là một câu hỏi gây “mất ngủ” cho rất nhiều người mới tìm hiểm về đầu tư. Nếu đầu tư ban đầu không sinh lãi thì dĩ nhiên sẽ không có lãi ban đầu và không có lãi kép. TUY NHIÊN, có rất nhiều cách đầu tư an toàn và cho lãi chắc chắn nếu đầu tư lâu dài, không chạy theo sự lên xuống của thị trường.
Một trong những cách tốt nhất là đầu tư vào quỹ chỉ số (index fund), hay ETF (Exchange-Traded Fund) – một loạt quỹ tổng hợp các đầu cổ phiếu và trái phiếu tốt nhất để đảm bảo nếu thị trường đi xuống thì về trung bình, toàn bộ quỹ không bị ảnh hưởng quá lớn.
Ví dụ, dù trải qua nhiều lần khủng hoảng thị trường tài chính từ thập niên 90 tới nay, quỹ S&P 500 của Mỹ vẫn cho về lãi suất trung bình 10,5%/năm. Việt Nam cũng đã bắt đầu có những mô hình đầu tư quỹ tương tự với mức lãi suất thu về theo quan sát từ 8-12% một năm.
Đây là con đường đầu tư đơn giản nhất, an toàn nhất và phù hợp nhất với những nhà đầu tư mới và đầu tư với mục đích lâu dài.
3. Rủi ro mất cơ hội
Trong kinh tế có khái niệm “chi phí cơ hội” (opportunity cost) để chỉ những cơ hội vô hình bị mất đi khi bạn không tham gia một hoạt động nào đó.
Chẳng hạn, bạn bất ngờ nhận được tiền thưởng, một người thân rủ bạn đầu tư kinh doanh nhưng bạn từ chối và dùng khoản tiền thưởng để mua quần áo. Việc mua quần áo này có thể khiến bạn mất đi cơ hội kinh doanh vào thời điểm tốt và sau này không thể quay lại đầu tư cùng hạng mục đó với số tiền tương tự nữa.
Chi phí cơ hội khó định giá và thường chỉ khi đã mất rồi, bạn mới biết là mình đã đưa ra lựa chọn chưa thông minh trong quá khứ. Bởi vậy,
để tránh rủi ro mất cơ hội trong đầu tư, mỗi khi cơ hội đến, bạn cần dành thời gian suy nghĩ và cân nhắc trước khi ra quyết định, thay vì ngay lập tức lắc đầu với mọi lời đề nghị đầu tư vì những nỗi sợ không rõ ràng.
4. Rủi ro về thiếu đầu tư cho bản thân
Đầu tư không chỉ đơn thuần là kiếm tiền.
Đó còn là một hành trình học tập không ngừng để phát triển bản thân, trang bị cho mình tri thức tốt về kinh tế – tài chính, học cách quản lý đồng tiền mình làm ra hiệu quả và quan trọng hơn hết, hiểu hơn về chính bản thân mình trong vai trò một người làm kinh tế. Đó, theo tôi, là điều “lãi” nhất trong quá trình đầu tư và tìm hiểu về đầu tư.
Nếu không bắt tay vào đầu tư và đặt bản thân dưới áp lực cần phải học hỏi nhiều hơn để bảo vệ và phát triển đồng tiền mình vất vả mới kiếm được, tôi có lẽ sẽ không bao giờ biết được những điều tôi biết ngày hôm nay về tài chính.
Dù hiểu biết của tôi còn hạn chế do xuất phát điểm không phải là dân tài chính, nhưng những gì tôi học được trong quá trình đầu tư đã giúp tôi có cái nhìn rõ ràng hơn về thu-chi trong gia đình, có thêm động lực làm việc, trả hết nợ tiêu dùng và vượt ra khỏi vòng an toàn để đầu tư nhiều hơn.
Và cũng chỉ khi bắt tay vào đầu tư, tôi mới biết được mức độ chịu đựng rủi ro (risk tolerance) của mình tới mức độ nào, mình thích đầu tư những hạng mục nào, quyết định trong đầu tư nói lên gì về tính cách và tâm lý của mình… Đầu tư, nói cách khác, khiến tôi trường thành và hiểu mình hơn.
Kết luận
Đầu tư cho bản thân, suy cho cùng, vẫn là hình thức đầu tư hiệu quả nhất. Bởi vậy, mỗi khi được hỏi: “Làm cách nào để đầu tư mà không bị mất tiền?”, câu trả lời của tôi luôn là: Đầu tư cho bản thân trước.
Trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng, tâm lý đủ là để tránh khỏi những lời dụ dỗ lừa đảo-làm giàu nhanh, để có thể đầu tư vào những thứ mình biết chắc và để biết đâu là giới hạn chịu đựng rủi ro của riêng mình. Vì học là để đầu tư, và đầu tư là để học.
Tác giả: Chi Nguyen (The Present Writer)
Nguồn: Vietcetera
Xem thêm: