Số tiền của người dân mang gửi tiết kiệm không ngừng tăng trong những tháng qua. Dù vậy, tốc độ huy động vốn của nền kinh tế chậm hơn so với cho vay.
Dữ liệu mới nhất vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, trong tháng 6, lượng tiền gửi của dân cư đã tăng thêm 50.000 tỉ đồng so với tháng 5, lên 5,619 triệu tỉ đồng. So với đầu năm, số tiền gửi của dân cư đã tăng 319.000 tỉ đồng, tương ứng mức tăng 6,02%.
Trong khi đó, tốc độ tăng tiền gửi của các tổ chức kinh tế chậm hơn, chỉ 3,51%, lên 5,848 triệu tỉ đồng, tăng thêm 203.000 tỉ đồng. Như vậy, tổng phương tiện thanh toán của các tổ chức tín dụng tăng lên hơn 13,908 triệu tỉ đồng tính đến cuối tháng 6, tăng 506.000 tỉ đồng, tương ứng 3,78%. Tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán giảm so với tháng trước đó, từ mức 10,9% xuống còn 10,5%.
Tiền gửi dân cư có xu hướng ngày càng tăng từ đầu năm đến nay, điều này hoàn toàn trái ngược so với 2 năm dịch Covid-19. Lãi suất tiền đồng liên tục tăng lên trong bối cảnh thị trường chứng khoán, bất động sản không mấy thuận lợi đã thu hút vốn vào ngân hàng. Một số ngân hàng đẩy lãi suất gần sát mức 8%/năm đã hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân mang tiền gửi tiết kiệm. Ngược lại, các doanh nghiệp có xu hướng sử dụng vốn hiện có nhiều hơn khi việc tiếp cận vốn vay ngân hàng ngày càng khó, lãi suất cho vay cũng tăng cao.
Các tổ chức tín dụng đã cho vay hơn 11,428 triệu tỉ đồng tính đến cuối tháng 6, tăng 9,44%, tương ứng 984.000 tỉ đồng. Trong đó, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực thương mại vận tải và viễn thông tăng lên đến 9,34%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 7,52%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,13%; các hoạt động dịch vụ khác tăng 11,55%.
Tác giả: Thanh Xuân
Nguồn: Báo Thanh Niên
Xem thêm: