M&A là một trong những hiện tượng không hiếm gặp trong giới kinh doanh. Tuy vậy, vẫn có rất nhiều người chưa hiểu rõ về thuật ngữ này. Chính vì vậy, để giúp mọi người có cái nhìn tổng quan cũng như rõ ràng hơn về M&A là gì và những thương vụ M&A nổi tiếng ở Việt Nam. Hãy cùng Infina tìm hiểu ngay nhé!
Nội dung chính
Thuật ngữ M&A là gì?
Thuật ngữ M&A là viết tắt của cụm từ Mergers (Sáp nhập) và Acquisitions (Mua lại). M&A là hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp thông qua hình thức sáp nhập hoặc mua lại giữa hai hay nhiều doanh nghiệp để sở hữu 1 phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đó.
Những thương vụ M&A đều có mục đích tham gia, quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp bị mua lại hay sáp nhập chứ không đơn thuần là sở hữu cổ phần.
Thương vụ M&A thường đem lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như giúp mở rộng thị phần, đạt hiệu quả kinh doanh tốt hơn, giảm số lượng nhân viên cần thiết, giảm những chi phí phát sinh không cần thiết, tận dụng công nghệ được chuyển giao,…
Những thương vụ M&A nổi tiếng tại Việt Nam
Các thương vụ M&A ở Việt Nam rất hay diễn ra trong những năm trở lại đây. Các công ty sáp nhập ở Việt Nam sau khi hoàn thành thủ tục đều có hoạt động kinh doanh rất tốt và đem lại doanh thu lớn. Vậy hãy cùng Infina điểm qua một số thương vụ M&A đình đám nhé!
1. Central Group mua lại Big C Việt Nam
Vào năm 2016, Central Group đã mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam với giá trị 1,14 tỷ USD để sở hữu thương hiệu này. Bên cạnh đó, Central Group còn đầu tư mua lại hệ thông siêu thị điện máy Nguyễn Kim – Hệ thống phân phối thiết bị điện tử hàng đầu Việt Nam.
2. Tập đoàn Sumitomo Mitsui (SMBC) mua 49% vốn FE Credit
Ngày 28/10/2021, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã có thông báo chính thức về việc hoàn tất chuyển nhượng 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng hay còn được gọi là (FE Credit) cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF), đơn vị thành viên của tập đoàn tài chính hàng đầu Nhật Bản – Sumitomo Mitsui Group.
VPBank kỳ vọng việc giảm bớt gần một nửa cổ phần tại FE Credit sẽ giúp cho ngân hàng củng cố năng lực tài chính và mở rộng hơn nữa các hoạt động kinh doanh ở những phân khúc tiềm năng khác. Bên cạnh đó, thương vụ M&A trên còn đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 4000 tỷ đồng.
3. SK Group đầu tư 410 triệu USD vào VinCommerce
Hồi đầu tháng 4, SK Group (Hàn Quốc) và Masan Group cũng ký kết thuận về việc SK Group mua lại 16,26% cổ phần của VinCommerce với tổng giá trị tiền mặt là 410 triệu USD. Thỏa thuận đầu tư của SK vào VinCommerce là một phần trong chiến lược đầu tư của tập đoàn này vào các lĩnh vực đang tăng trưởng nhanh của Việt Nam.
4. Bamboo Capital mua lại 71% cổ phần AAA
Ngày 1/10/2021, hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bamboo Capital (BCG) đã phê duyệt chủ trương mua lại 71% cổ phần của Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA.
Cụ thể, Bamboo Capital đã mua hơn 79,7 triệu cổ phần của Bảo hiểm AAA, tương đương 71% vốn điều lệ với hình thức đầu tư là nhận chuyển nhượng từ cổ đông hiện hữu của AAA. Bamboo Capital cho biết số tiền đã chi là hơn 700 tỷ đồng, là một trong những bước tiếp nối các thương vụ đầu tư ở cả mảng bảo hiểm lẫn tài chính do doanh nghiệp này đang triển khai.
5. Tập đoàn Shinhan (Hàn Quốc) mua 10% Tiki Global
Hồi giữa năm 2022, tập đoàn Shinhan đã mua 10% Tiki Global với trị giá 88 triệu USD, trở thành cổ đông chiến lược của Tiki Global và gián tiếp nắm giữ vốn trong trong Công ty TNHH TiKi.
Cụ thể, hai công ty con của Shinhan gồm Shinhan Bank và Shinhan Card sẽ nắm giữ lần lượt 7% và 3% cổ phần tại sàn thương mại điện tử Tiki.
Một số cách tính M&A mà bạn cần biết
Cách định giá trong M&A là gì? Để chuẩn bị cho một thương vụ M&A, các doanh nghiệp cần tính toán cổ phần cũng như định lượng các khối tài sản trong công ty. Dưới đây là một số cách tính M&A mà các doanh nghiệp thường áp dụng.
Tỷ suất P/E
Doanh nghiệp bên mua có thể sử dụng cách so sánh mức P/E trung bình của cổ phiếu trong ngành để xác định mức chào mua một cách hợp lý.
Tỷ suất Giá trị doanh nghiệp trên Doanh thu (EV/Sales)
Với tỷ suất giá trị doanh nghiệp trên doanh thu, doanh nghiệp mua sẽ so sánh chỉ số này với các doanh nghiệp/công ty khác trong ngành và sẽ chào giá ở một mức gấp một cơ số lần doanh thu.
Chi phí thay thế
Bên cạnh hai cách trên, mua bán còn được dựa trên việc cân nhắc yếu tố chi phí để thiết lập một doanh nghiệp từ đầu so với mua một doanh nghiệp đang có sẵn. Ví dụ, nếu tính một cách đơn giản, giá trị công ty bao gồm toàn bộ tài sản cố định, trang thiết bị và đội ngũ nhân viên. Nói một cách dễ hiểu, công ty đi mua có thể đàm phán mua lại công ty đang tồn tại với giá trị kể trên hoặc thành lập một công ty mới tương tự để cạnh tranh.
Tuy nhiên, để xây dựng một công ty mới sẽ mất một khoảng thời gian dài để tập hợp đội ngũ quản lý và nhân sự tốt, mua sắm tài sản cũng như tìm kiếm khách hàng, chưa kể việc ra đời phải cạnh tranh với công ty đang tồn tại trên thị trường. Mặc dù vậy, phương pháp này lại không phù hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nơi mà tài sản quan trọng nhất là con người và phương thức dựa trên ý tưởng là chính.
Phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF)
Cash Flow là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng trong quá trình vận hành doanh nghiệp. Và DCF là một công cụ định giá liên quan tới Cash Flow và là phương pháp quan trọng trong Mua bán và Sáp nhập.
Mục đích chính của DCF là xác định giá trị hiện tại của dòng tiền trong công ty dựa trên ước tính dòng tiền mặt trong tương lai. Trong đó, dòng tiền mặt ước tính được chiết khấu đến giá trị hiện tại có tính đến trọng số trung bình vốn của công ty (WACC). Tất nhiên, DCF cũng có những hạn chế nhất định nhưng rất ít có công cụ nào có thể cạnh tranh được với phương thức định giá này về mặt lý thuyết.
Kết luận
Bài viết trên đây đã giới thiệu tới các bạn M&A là gì và một số thương vụ M&A tiêu biểu trong thời gian gần đây tại Việt Nam. Hi vọng rằng, với những kiến thức trên, bạn đã hiểu hơn về giao dịch sáp nhập và mua lại của các doanh nghiệp.
Bạn có cảm nghĩ như thế nào? Hãy để lại bình luận phía dưới nhé!
Xem thêm