Tuổi trẻ đầy sức sống và ước mơ, nhưng cũng không thiếu những lo lắng, đặc biệt là về vấn đề tài chính cá nhân. Trách nhiệm với việc chi tiêu hàng ngày, suy nghĩ về việc mua nhà, mua xe… khiến cho nhiều người trẻ cảm thấy căng thẳng và mất niềm tin. Vậy làm sao để giảm bớt áp lực về tài chính và hướng tới một cuộc sống tươi đẹp hơn trong tương lai? Một số mẹo hay sẽ được chia sẻ trong bài viết dưới đây.
Nội dung chính
Tình trạng người trẻ đối mặt với áp lực tài chính cá nhân
Thực tế cho thấy rằng người trẻ đang phải đối mặt với áp lực tài chính cá nhân. Theo chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, so với thế hệ Gen Y và Gen X, giới trẻ hiện nay, đặc biệt là Gen Z, thường có xu hướng tiêu tiền một cách phóng khoáng hơn.
Báo cáo Consumer Culture 2021 của 5WPR đã chỉ ra rằng, các sản phẩm được Gen Z ưa thích thường là các sản phẩm điện tử, công nghệ, y tế và sức khỏe. Và khi thu nhập tăng, họ càng có nhiều mục tiêu tài chính mới.
Tuy nhiên, có một điều đáng lo ngại là nhiều người trẻ hiện nay đã rơi vào tình trạng “tiêu trước, kiếm sau”, sẵn lòng “chi đậm” cho sở thích cá nhân mà không xem xét đến khả năng tài chính của bản thân. Hậu quả của việc này là không ít người “lương về đã phải trả nợ”. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do thiếu kiến thức và kỹ năng quản lý tài chính cá nhân hiệu quả. Điều này khiến cho họ dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, thậm chí là suy sụp khi gặp phải rủi ro hoặc biến động bất ngờ.
Báo cáo “Sức khỏe ngành tài chính & ngân hàng khu vực châu Á – Thái Bình Dương” do Backbase thực hiện vào đầu năm 2021 cũng chỉ ra rằng, 67% người Việt được khảo sát cảm thấy căng thẳng về sức khỏe tài chính của bản thân. Lý do chính là họ gặp khó khăn trong việc tiết kiệm và quản lý tiền bạc.
Đáng chú ý, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người thừa nhận không biết cách quản lý tài chính cao nhất trong 10 nước châu Á – Thái Bình Dương.
Một câu chuyện thực tế về Nhật Linh (23 tuổi, sống tại Hà Nội), mới tốt nghiệp đại học được một năm, là minh chứng cho tình hình này. Linh đã “mạnh tay” chi tiêu hơn sau khi nhận công việc chính thức tại một công ty công nghệ ở quận Cầu Giấy. Ban đầu, cô áp dụng phương pháp phân chia thu nhập theo tỷ lệ 80 – 20, với 80% dành cho các khoản chi cố định và dự phòng, 20% để tiết kiệm. Tuy nhiên, Linh thừa nhận rằng khoản tiết kiệm này thường không kéo dài được.
Cô chia sẻ rằng mỗi tháng lại có những chi phí bất ngờ như đám cưới, sinh nhật bạn bè, chưa kể đến việc mua sắm và đi du lịch. Vào các đợt khuyến mãi trên các trang thương mại điện tử, Linh thường dành thời gian tìm kiếm những món đồ giảm giá và thêm vào giỏ hàng từ tối hôm trước để “chốt đơn” vào nửa đêm.
Mỗi đợt sale, giỏ hàng của cô lên đến hàng chục đơn với tổng số tiền từ hai đến ba triệu đồng, tương đương với khoản tiết kiệm mỗi tháng. Do thuê phòng một mình và thường xuyên ăn ngoài, Linh cho biết các khoản chi cố định như tiền nhà, ăn uống, đi lại đã chiếm 80% lương và cô không còn dư dả để dành dụm cho tương lai.
Nguyên nhân dẫn đến áp lực tài chính cá nhân
Áp lực về tài chính là một vấn đề đầy ám ảnh, có ảnh hưởng đến mọi tầng lớp trong xã hội. Tình trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, bao gồm cả yếu tố khách quan và chủ quan:
- Sự ảnh hưởng từ kinh tế: Biến động kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong thời kỳ hiện nay, có ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng tài chính cá nhân. Khủng hoảng kinh tế khiến việc làm trở nên hiếm hoi, thu nhập giảm sút, gây lo lắng và áp lực cho nhiều người.
- Nhu cầu cuộc sống ngày càng tăng: Sự phát triển của xã hội kéo theo nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cũng tăng cao. Trong khi đó, thu nhập không tăng theo tốc độ gia tăng giá cả, nhiều người cảm thấy khó khăn trong việc chi tiêu và lo lắng về tương lai.
- Thói quen chi tiêu thiếu kế hoạch: Đây là nguyên nhân chính khiến cho tình trạng tài chính trở nên tồi tệ. Việc chi tiêu bừa bãi, không kiểm soát dẫn đến tình trạng “vung tay quá trán”, nhanh chóng cạn kiệt nguồn tài chính và gây ra áp lực lớn.
- Mất giá của đồng tiền: Một yếu tố khách quan khác góp phần tạo nên áp lực tài chính là vấn đề mất giá của đồng tiền. Khi giá trị của tiền giảm sút, sức mua của người dân cũng bị ảnh hưởng, làm cho việc tiết kiệm và tích lũy trở nên khó khăn hơn.
Bí quyết giúp giảm áp lực tài chính hiệu quả cho người trẻ
Học cách lập kế hoạch chi tiêu
Theo chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, để quản lý chi tiêu hiệu quả, việc xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân dựa trên nguyên tắc “chi tiêu ít hơn thu nhập” là vô cùng quan trọng. Đồng thời, việc hình thành thói quen tiết kiệm thường xuyên cũng đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo an ninh tài chính.
Ví dụ, với mức thu nhập dưới 20 triệu đồng/tháng, sau khi trừ đi các khoản chi phí cố định và dự phòng, chuyên gia khuyến khích việc trích ra 15 – 20% thu nhập để gửi tiết kiệm tại các ứng dụng ngân hàng. Dù thời gian gửi tiết kiệm dài hay ngắn, thói quen này sẽ giúp bạn hình thành tâm lý “cân nhắc kỹ lưỡng” trước khi quyết định mua sắm bất kỳ món đồ nào.
Theo các chuyên gia tài chính, một nguyên tắc quan trọng trong quản lý chi tiêu hiệu quả là “tấn công” thay vì “phòng thủ”. Thay vì chỉ tập trung tiết kiệm từ lương, việc chủ động tăng thêm nhiều nguồn thu nhập sẽ giúp bạn dễ dàng đạt được mục tiêu tài chính hơn.
Ngoài ra, bạn cũng nên ghi chép tất cả các chi tiêu hàng ngày của bản thân để hiểu rõ thói quen sinh hoạt trong vòng một tháng. Sau đó, phân loại chúng thành các hạng mục như tiền ăn uống, tiền nhà, điện nước, chi phí đi lại, nhu yếu phẩm, mua sắm và tiết kiệm. Dựa trên các hạng mục này, thiết lập một kế hoạch chi tiêu hợp lý.
Xem thêm:
- 7 bước đơn giản để quản lý chi tiêu gia đình hiệu quả
- Quản lý chi tiêu cá nhân đỉnh cao từ quy tắc 6 chiếc lọ
Ổn định dòng tiền thông qua những mục tiêu ngắn hạn
Đầu tiên, để giải quyết áp lực tài chính, hãy tập trung vào việc điều chỉnh dòng tiền ra vào. Cân nhắc khả năng tăng thu nhập bằng cách tìm kiếm cơ hội làm thêm, đầu tư, hoặc chọn một công việc phụ thu nhập phù hợp với điều kiện và khả năng của bạn.
Thứ hai, quản lý nợ tín dụng là một phần quan trọng. Hãy đảm bảo thanh toán đúng hạn và luôn ý thức về các khoản nợ của mình. Đồng thời, cố gắng cắt giảm chi phí hàng ngày
không cần thiết và hạn chế việc chi tiêu cho những thứ không quan trọng, chỉ nên chi tiêu cho những thứ thực sự cần thiết.
Xem thêm: Nên mở thẻ tín dụng ngân hàng nào hiện nay?
Thiết lập các kênh đầu tư tài chính
Sau khi thiết lập bảng chi tiêu hợp lý, bạn sẽ có khả năng điều chỉnh khoản tiết kiệm và đầu tư của mình. Việc đầu tư là cần thiết để gia tăng tài sản và thu nhập, bất kể bạn có kinh tế hạn hẹp hay không.
Bước đầu tiên, hãy chia nhỏ các khoản chi phí cố định như tiền điện nước, tiền nhà, sinh hoạt phí… Sau đó, hãy cam kết trích ra một khoản tiền nhất định (dù ít hay nhiều) vào quỹ đầu tư của bạn.
Một số phương thức đầu tư phố biến:
- Tiền gửi ngân hàng: Lãi suất ổn định, rủi ro thấp.
Xem thêm: Lãi suất ngân hàng nào cao nhất hiện nay tháng 03/2024
- Chứng khoán, cổ phiếu ngắn/dài hạn: Lợi nhuận cao, nhưng đòi hỏi kiến thức chuyên môn.
- Bất động sản: Lợi nhuận kinh tế cao, nhưng cần lượng vốn lớn. Có thể góp vốn chung để giảm thiểu rủi ro.
- Quỹ mở, bảo hiểm nhân thọ: Hình thức đầu tư dài hạn với lợi nhuận ổn định, nhiều phúc lợi xã hội, đồng thời đóng vai trò như quỹ sức khỏe.
Học cách điều chỉnh cảm xúc
Cảm xúc đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hành trình chinh phục thành công, đặc biệt khi đối mặt với áp lực tài chính. Khi bạn kiểm soát tốt cảm xúc, bạn sẽ có khả năng vượt qua mọi khó khăn và đưa ra những quyết định sáng suốt.
Tình trạng căng thẳng kéo dài do áp lực tài chính sẽ khiến bạn mệt mỏi, kiệt quệ năng lượng và mất đi động lực kiếm tiền. Điều này khiến cho vòng xoáy áp lực tài chính ngày càng siết chặt.
Để thoát khỏi vòng xoáy này, điều quan trọng là bạn cần học cách điều tiết cảm xúc của bản thân. Hãy giữ bình tĩnh để có thể xử lý tình huống một cách sáng suốt và tìm ra giải pháp tối ưu.
Một số phương pháp giúp bạn điều chỉnh và cân bằng cảm xúc:
- Tâm sự với người thân, bạn bè
- Tập thiền, yoga
- Nghe nhạc thư giãn
- Dành thời gian chăm sóc, lắng nghe bản thân…
Kết luận
Tóm lại, để thoát khỏi vòng xoáy áp lực tài chính và hướng đến một cuộc sống an nhàn, tự do, bạn có thể thử áp dụng theo những phương pháp được chia sẻ phía trên. Chỉ khi bạn gia tăng tài sản, hạn chế tiêu sản, thanh toán hết nợ nần hoặc đưa số nợ về mức 0, gánh nặng tài chính mới không còn là mối lo âu thường trực trong tâm trí bạn.