Năm 2022 là năm có nhiều biến động trên toàn cầu, trải qua những năm bệnh dịch Covid-19 hoành hành. Nền kinh tế thế giới chịu tác động không nhỏ từ dịch bệnh và chiến tranh Ukraine – Nga. Thị trường tài chính và các chính sách tiền tệ được thay đổi liên tục để nhằm đối phó với những biến động này. Hãy cùng Infina tìm hiểu khái niệm chính sách tiền tệ và công cụ thực hiện chính sách này nhé.
Nội dung chính
Tìm hiểu về chính sách tiền tệ
Có rất nhiều định nghĩa, khái niệm về chính sách tiền tệ. Nếu bạn là dân chuyên về kinh tế thì những khái niệm này đã được nằm lòng trong những năm ngồi tại giảng đường đại học.
Khái niệm này có thể giải thích vô cùng đơn giản mà tôi đã chắt lọc và nghiên cứu trong lúc làm bạn với sách vở.
Chính sách tiền tệ là gì?
Khái niệm này được định nghĩa cơ bản là chính sách lưu thông tiền tệ của mỗi quốc gia. Chính sách này được ngân hàng Trung Ương quốc gia phát hành nhằm quản lý dòng tiền của đất nước đó.
Thường các chính sách này luôn hướng tới mục tiêu ổn định và tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát thông qua một lãi suất nhất định.
Có 2 chính sách tiền tệ được áp dụng là:
- Chính sách tiền tệ mở rộng.
- Chính sách tiền tệ thắt chặt.
Phân biệt chính sách tiền tệ mở rộng và thắt chặt
Để phân biệt 2 loại chính sách này, chúng ta sẽ xét trên nền kinh tế vĩ mô. Việc áp dụng các chính sách để quản lý dòng tiền của chính phủ góp phần to lớn trong quá trình tăng trưởng nền kinh tế.
Chính sách tiền tệ mở rộng
Chính sách tiền tệ mở rộng hay còn gọi là chính sách nới lỏng dòng tiền. Đây là chính sách nhằm thúc đẩy kinh tế thông qua việc chính phủ bơm tiền vào thị trường. Công cụ của chính sách này là việc ngân hàng hạ lãi suất. Hoặc tung ra những gói vay ưu đãi hay là bơm tiền vào thị trường nhằm phát triển kinh tế.
Những năm của đại dịch thế kỷ, dịch bệnh Covid – 19 lan rộng toàn cầu. Ngân hàng thế giới và cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất thấp gần như bằng 0%. Chính những lần hạ lãi suất này đã giúp kích cầu nền kinh tế.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ – các chỉ số chính của Wall Street cũng giảm mạnh trong những năm qua. Một phần do tác động của dịch bệnh, phần lớn hơn là chiến lược kích cầu kinh tế nói chung và chứng khoán nói riêng.
Chính nhờ những chính sách nới lỏng tiền tệ này giúp cho thị trường chứng khoán và nền kinh tế tươi sáng hơn.
Chính sách tiền tệ thắt chặt
Có một thực tế là sau những nới lỏng về dòng tiền thì tình trạng lạm phát sẽ tăng cao. Chính vì thế chính sách tiền tệ được thắt chặt để giảm thiểu tình nóng lên nhanh chóng của nền kinh tế.
Chính sách tiền tệ thắt chặt hay còn gọi là chính sách thu hẹp dòng tiền. Việc các ngân hàng dự trữ quốc gia kiểm soát dòng tiền và nền kinh tế thông qua các công cụ sau:
- Tăng mức dự trữ tín dụng bắt buộc.
- Tăng lãi suất, kiểm soát hoạt động tín dụng. Siết chặt gói vay trong các hoạt động kinh doanh bất động sản.
- Bán chứng khoán.
Sau những bất ổn về kinh tế, Fed chia sẻ rằng năm 2022, nước Mỹ đang đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao. Lãi suất đã tăng 0.75% cho phiên điều chỉnh mới nhất, đây là lần điều chỉnh lãi suất thứ 2 trong 6 tháng vừa qua. Khiến lãi suất tham chiếu tại Mỹ lên con số 2.25% – 2.5%, mức lãi suất cao kỷ lục kể từ năm 2018.
Công cụ và mục tiêu
Dựa vào tình hình kinh tế của toàn cầu và mỗi quốc gia. Chính phủ sẽ đưa ra những chính sách điều chỉnh dòng tiền phù hợp thông qua những công cụ nhất định. Nhằm hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế thị trường.
Các công cụ của chính sách tiền tệ
Chính sách tiền tệ được ngân hàng trung ương điều tiết thông qua 6 công cụ sau:
Công cụ tái cấp vốn
Đây là công cụ được sử dụng cho ngân hàng thương mại từ ngân hàng trung ương. Việc tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại giúp kích cầu nền kinh tế và hỗ trợ khả năng thanh toán tiền tệ của các ngân hàng.
Đây chính là công cụ được các ngân hàng trên thế giới sử dụng khi muốn cung ứng tiền nhằm kích cầu thị trường.
Công cụ tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc là công cụ quan trọng giúp điều tiết dòng tiền của ngân hàng nhà nước. Các ngân hàng thương mại luôn có một tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm đối phó với những rủi ro có thể gặp phải. Việc tăng giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc giúp kiểm soát dòng tiền hiệu quả hơn.
Công cụ nghiệp vụ thị trường mở
Đây là hoạt động khi ngân hàng Trung Ương mua bán giấy tờ có giá trị ngắn hạn trên thị trường tiền tệ. Mục đích là điều hòa cung cầu về các giấy tờ có giá trị. Các loại giấy tờ này sẽ gây ảnh hưởng đến khối lượng dự trữ của các ngân hàng thương mại. Từ đó tác động đến khả năng cung ứng tín dụng của các ngân hàng thương mại dẫn đến làm thay đổi khối lượng tiền tệ.
Công cụ lãi suất tín dụng
Đây là công cụ dựa vào cơ chế điều hành lãi suất của ngân hàng chính phủ của mỗi quốc gia. Có thể được hiểu là tổng thể những chủ trương chính sách và giải pháp cụ thể của Ngân hàng Trung Ương nhằm điều tiết lãi suất trên thị trường tiền tệ, tín dụng trong từng thời kỳ nhất định.
Công cụ hạn mức tín dụng
Có thể nói, đây được xem là chính sách của ngân hàng nhà nước hơn là công cụ. Bởi chính sách này can thiệp trực tiếp để khống chế mức tăng khối lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng.
Hạn mức tín dụng được hiểu là mức dư nợ tối đa mà Ngân hàng Trung Ương buộc các Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phải chấp hành khi cấp tín dụng cho nền kinh tế.
Công cụ tỷ giá hối đoái
Tỷ giá hối đoái là tương quan sức mua giữa đồng nội tệ và đồng ngoại tệ. Nó vừa phản ánh sức mua của đồng nội tệ, vừa là biểu hiện quan hệ cung cầu ngoại hối. Tỷ giá hối đoái là công cụ đánh giá rõ nét nhất tình hình lạm phát của mỗi quốc gia.
Mục tiêu của chính sách tiền tệ
Các chính sách tiền tệ của mỗi quốc gia dù là thông qua công cụ nào thì cũng nhằm vào 2 mục tiêu chính sau đây:
Mục tiêu nhằm vào lãi suất
Thông qua những công cụ tài chính nhất định, ngân hàng Trung Ương sẽ quản lý dòng tiền nhằm vào mục tiêu lãi suất tín dụng.
Mục tiêu nhằm vào lượng cung ứng tiền
Thông thường, các chính sách tiền tệ sẽ được áp dụng cho mục tiêu nhằm vào lãi suất. Tuy nhiên, khi nền kinh tế không ổn định. Các công cụ tiền tệ sẽ được thực hiện nhằm vào lượng cung ứng tiền. Lượng cung ứng tiền là mục tiêu đánh vào nền kinh tế trực tiếp khi nền thị trường kinh tế quá nóng hoặc quá ảm đạm.
Chính sách tiền tệ ở Việt Nam hiện nay
Chính sách tiền tệ năm 2021 và đầu 2022 của chính phủ
Dịch bệnh Covid-19 diễn ra toàn cầu, gây ảnh hưởng không nhỏ đối với nền kinh tế thế giới. Việt Nam cũng là đất nước chịu nhiều tác động từ dịch bệnh, nền kinh tế bị trì trệ, tất cả các hoạt động sản xuất hàng hóa, thương mại dịch vụ bị giảm sút rõ rệt.
Những tháng cuối năm 2021, chính phủ VN đã đưa ra nhiều chính sách, công cụ nhằm vực dậy nền kinh tế. Cụ thể như sau:
- Giảm lãi suất tín dụng: Áp dụng chỉ đạo, quyết định của chính phủ, ngân hàng nhà nước (NHNN) đã chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp. Giảm lãi suất xuống mức thấp nhất có thể. Kết quả đến cuối tháng 11/2021, lãi suất huy động và cho vay VND bình quân của tổ chức tín dụng giảm tương ứng khoảng 0.51%/năm và 0.81%/năm so với cuối năm 2020 sau khi đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020. Lãi suất cho vay bình quân đối với các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ là 4.3%/năm (thấp hơn mức trần quy định là 4.5%/năm).
- Đảm bảo cung cấp vốn tín dụng và giải ngân cho vay đảm bảo nhu cầu sản xuất kinh doanh. Phục hồi ngành kinh tế sau những năm bị ứ đọng, đứt gãy do dịch bệnh.
- Đảm bảo tính thanh khoản, thị trường ngoại hối: So với các nước láng giềng trong khu vực, tỷ lệ lạm phát gia tăng, cán cân giữa các đồng nội tệ với đồng dollar bị chênh lệch lớn. Việt Nam với chính sách tiền tệ và duy trì tỷ lệ ngoại hối ổn định nhất khu vực.
Chiến lược của ngân hàng quốc gia trong việc kiểm soát lạm phát năm 2022
Song hành với các chính sách tiền tệ để phục hồi nền kinh tế. Không riêng gì Việt Nam, các quốc gia trên thế giới đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế, lạm phát gia tăng.
Biến động toàn cầu trong nửa đầu năm 2022 phải kể đến chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Chiến tranh đem đến những khó khăn trong nguồn cung cấp khí đốt, nguyên liệu đầu vào tăng. Giá thành sản xuất tăng cao và lạm phát tăng lên nhanh chóng.
Tất cả ngân hàng Trung Ương của mỗi quốc gia đều ban hành chính sách tiền tệ riêng, nhằm đối phó với lạm phát tại nước mình. Chính phủ Việt Nam cũng chủ động, kịp thời tung ra hàng loạt chính sách tiền tệ nhằm hạn chế rủi ro lạm phát. Nhưng vẫn đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Một số chính sách được điều chỉnh của NHNN Việt Nam là:
- Thắt chặt cho vay tín dụng đối với các ngành thương mại dịch vụ: Điển hình là hạn chế cho vay tín dụng đối với bất động sản, tránh những cơn sốt đất ảo trong thời gian qua.
- Tăng lãi suất huy động vốn và đồng thời tăng lãi suất cho vay để kiểm soát dòng tiền: Nếu năm 2021 lãi suất gửi tiết kiệm là 5.8% – 6.8%/ năm, đến đầu năm 2022 lãi suất huy động vốn tăng lên 7.55%/năm.
- Với việc hạn chế lạm phát nhưng không quên thúc đẩy nền kinh tế, NHNN tái cấp vốn, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp. Trọng tâm là xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, nâng cao năng lực quản lý và đảm bảo an toàn, hiệu quả hoạt động tiền tệ.
Kết luận
Thông qua bài viết và phân tích về chính sách tiền tệ. Hy vọng các bạn có cái nhìn tổng quan và hiểu hơn về các công cụ, mục tiêu của chính sách tiền tệ.
Bạn có cảm nghĩ như thế nào? Hãy để lại bình luận phía dưới nhé!
Xem thêm: