Trong vòng 2 tuần, những ngân hàng này đã có tới 2 lần điều chỉnh lãi suất tiền gửi với mức tăng rất mạnh.
Sau khi tăng mạnh lãi suất thêm 0,7-1%/năm ngày 24/9, đến ngày 6/10, VPBank tiếp tục áp dụng biểu lãi suất huy động mới dành cho khách hàng cá nhân. Lần điều chỉnh này, VPBank, cộng thêm 0,3 điểm % ở nhiều kỳ hạn.
Cụ thể, đối với hình thức gửi tại quầy, VPBank tăng lãi suất kỳ hạn 12 tháng từ 6,2-7%/năm lên 6,5 – 6,8 – 7 – 7,1 – 7,2 – 7,3%/năm, tương ứng với các mốc số tiền gửi là 300 triệu – 3 tỷ – 10 tỷ – 50 tỷ đồng.
Tương tự, lãi suất kỳ hạn 36 tháng cũng tăng 0,3 điểm % lên 7-7,8%/năm. Theo đó, lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy của VPBank đã tăng lên 7,8%/năm, dành cho khách hàng gửi từ 50 tỷ đồng. Ngân hàng giữ nguyên lãi suất các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, vẫn tối đa là 4,8%/năm ở kỳ hạn 5 tháng.
Xem thêm: Bảng so sánh lãi suất ngân hàng cập nhật hằng ngày mới nhất
Đối với hình thức gửi tiết kiệm online, lãi suất các kỳ hạn dài cũng tăng với biên độ tương tự. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 36 tháng tăng lên 7,2-8%/năm. Để được hưởng lãi suất 7,5%/năm, khách hàng gửi trên 300 triệu đồng; lãi suất 7,7% tương ứng số tiền từ 3 tỷ đến 10 tỷ; lãi suất 7,8%/năm cho số tiền từ 10 tỷ đến dưới 50 tỷ; lãi suất cao nhất 8%/năm dành cho số tiền từ 50 tỷ đồng.
Không chỉ VPBank, từ ngày 07/10/2022, Techcombank cũng tăng mức lãi suất niêm yết cho tiền gửi tiết kiệm lên đến 7,5%/năm.
Theo đó, với những khoản tiền gửi mở mới online và tự động quay vòng, lãi suất 1 tháng – 3 tháng niêm yết ở mức tối đa cho phép là 5%/năm. Ngoài ra, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng khi gửi online tăng lên 7,2%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng lên 7,5%/năm.
Đối với kênh gửi trực tiếp tại quầy dành cho tiết kiệm mở mới. Với số tiền dưới 1 tỷ, lãi suất kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng ở mức 5%/năm, lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 6,7%/năm và 12 tháng lá 7%/năm.
Đối với gửi tại quầy mà số tiền gửi từ 1 tỷ trở lên, lãi suất cho tiết kiệm mở mới là 7,2%/năm kỳ hạn 6 tháng, 7,5%/năm kỳ hạn 12 tháng. Các mức lãi suất này đã tăng khoảng 0,3-1 điểm % so với trước.
Trước đó, Sacombank cũng niêm yết biểu lãi suất mới từ 6/10. Đối với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, lãi suất cao nhất của Sacombank đã chạm mốc 8%/năm, là mức lãi áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng. Ngoài ra, khách hàng gửi từ 6 tháng trở lên sẽ có lãi suất trên 7%/năm: kỳ hạn 6 tháng 7%/năm, kỳ hạn 9 tháng 7,3%/năm, kỳ hạn 12 tháng 7,4%/năm, kỳ hạn 18 tháng 7,7%/năm. Các mức lãi suất này đã tăng khoảng 0,5 %/năm so với trước.
Ngoài ra, ngày 8/10 vừa qua, SCB đã điều chỉnh lãi suất cao nhất thị trường. Cụ thể, đối với tiết kiệm online, lãi suất tiết kỳ hạn 6 tháng tăng lên 7,8 – 7,95%/năm, 7 tháng là 7,65- 8,05%, 9 tháng lên 8,01 – 8,25%, 12 tháng lên 8,2 – 8,55%. Mức lãi suất cao nhất của tiết kiệm online tại SCB là 8,90%/năm ở kỳ hạn 36 tháng. Chứng chỉ tiền gửi của SCB cũng lên 8,90%/năm cho kỳ hạn 24 tháng.
Các chuyên gia cho biết, lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm do vào mùa cao điểm kinh doanh.
Theo khảo sát vừa qua của Ngân hàng Nhà nước, trước thời điểm NHNN điều chỉnh tăng 1 điểm % các mức lãi suất tiền gửi điều hành (ngày 23/9/2022), mặt bằng lãi suất huy động-cho vay tiếp tục được các Tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng xu hướng tăng trong quý IV/2022 và cả năm 2022, với 59-61% TCTD kỳ vọng lãi suất tăng bình quân 0,37 đpt trong quý IV/2022 (chỉ có 7-9% TCTD kỳ vọng lãi suất giảm nhẹ) và 66-69% TCTD kỳ vọng lãi suất tiền gửi tăng bình quân 0,56-0,57 điểm % trong năm 2022 (có 8-10% TCTD kỳ vọng lãi suất giảm).
Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 4,3% trong quý IV/2022 và tăng 10,2% trong năm 2022, điều chỉnh giảm 1,3 đpt so với mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.
Tác giả: Minh Vy
Nguồn: Nhịp sống thị trường