Nội dung chính
1. VN-Index có thể tăng lên 1.460 điểm trong năm 2024
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã đưa mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 ở mức 5,8%, đây là mức tăng trưởng khá cao so với các nước trong khu vực. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 6-6,5%.
Theo Công ty PHS, với triển vọng kinh tế toàn cầu tươi sáng hơn trong năm 2024 đi kèm với những chính sách hỗ trợ từ phía đầu tư trong nước sẽ giúp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra.
2024 được xem là năm bước ngoặt của TTCK Việt Nam khi hệ thống mới KRX được đưa vào vận hành. Nhiều sản phẩm tài chính mới sẽ được ra mắt như giao dịch bán khống, giao dịch cổ phiếu trong ngày (T+0) sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia hơn, qua đó, cải thiện vấn đề thanh khoản.
Đặc biệt, mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) được xem nút thắt quan trọng để tháo gỡ những điều kiện còn thiếu trong vấn đề nâng hạng TTCK Việt Nam. Từ đó, thúc đẩy dòng vốn từ các quỹ ETF lớn trên toàn cầu đổ vào TTCK Việt Nam.
PHS cũng dự báo giá trị giao dịch bình quân trên sàn HOSE và HNX trong năm 2024 có thể đạt 21.750 tỷ đồng (bao gồm cả lệnh thỏa thuận và khớp lệnh). Bằng phương pháp định giá P/E, ước tính VN-Index có thể tăng lên mức 1.460 điểm trong năm 2024 với tỷ lệ P/E trung bình là 14x. Đọc thêm & thảo luận tại đây
2. Khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được bơm ra nền kinh tế?
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước ước tính, với hạn mức tăng trưởng tín dụng 15% năm nay sẽ có thêm 2 triệu tỷ đồng được “bơm” vào nền kinh tế.
Thông tin này được ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu tại họp báo Chính phủ, chiều 5/1.
Ông Tú thông tin, đến 31/12/2023 tăng trưởng tín dụng cán mốc 13,71%, thấp hơn mục tiêu cả năm (14-15%). Khoảng 1,3 triệu tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế trong năm ngoái.
Số liệu hồi đầu tháng 12/2023 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tín dụng tăng 9,15%. Như vậy, trong vòng một tháng, dư nợ tín dụng nền kinh tế tăng tới 4,56%.
Hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2024 được cơ quan quản lý tiền tệ đưa ra là 15%, và đã được giao cho các ngân hàng ngay đầu năm.
Với tổng dư nợ nền kinh tế đến cuối năm ngoái là 13,5 triệu tỷ đồng, Phó thống đốc Đào Minh Tú ước tính, sẽ có thêm khoảng 2 triệu tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế năm 2024. Đọc thêm & thảo luận tại đây
3. Tiền Việt được rao bán trên Ebay?
Trên trang đấu giá trực tuyến eBay, một bộ tiền polymer đầy đủ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành đang được rao bán với giá 95 USD (gần 2 triệu đồng).
Những tờ tiền này bao gồm tờ mệnh giá 500.000, 200.000, 100.000, 50.000, 20.000 và 10.000 đồng, với tổng trị giá thực các tờ tiền là 880.000 đồng. Mẩu quảng cáo này do một thành viên đăng ký trên eBay mang tên sportsgear28 đưa ra. Người bán cam đoan tất cả đều là tiền thật, và do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành để thay thế bộ tiền cotton cũ. Số seri của các tờ cũng không có gì đặc biệt.
Lời tựa cho quảng cáo này viết: “Những tờ tiền này là tặng vật tuyệt vời để dành cho những người thích sưu tập các loại tiền tiền thế giới”. Chỉ còn 8 ngày nữa mẩu quảng cáo này sẽ hết hạn. Người mua sẽ được miễn phí tiền vận chuyển. Đọc thêm & thảo luận tại đây
4. NVL sẽ phát hành hơn 1,3 tỷ cổ phiếu để trả nợ
Khoảng 13.700 tỷ đồng thu từ bán 1,37 tỷ cổ phiếu sẽ được Novaland ưu tiên tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản phải trả đến hạn.
Novaland (NVL) vừa thông qua kế hoạch phát hành 200 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hạn chế chuyển nhượng một năm. Doanh nghiệp này cũng bán cho các cổ đông hiện hữu hơn 1,17 tỷ cổ phiếu không bị hạn chế chuyển nhượng theo tỷ lệ 60%, tức 10 cổ phiếu “đổi” 6 đơn vị.
Giá chào bán sẽ do HĐQT quyết định, nhưng không thấp hơn 10.000 đồng một đơn vị. Novaland dự định phát hành số cổ phiếu trên trong năm nay, hoặc thời điểm khác do ban lãnh đạo quyết định.
Như vậy, nếu phát hành thành công, NVL có thể thu về ít nhất khoảng 13.700 tỷ đồng. Số tiền trên được ưu tiên cho tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản phải trả (gồm gốc, lãi và các khoản phí khác). Ưu tiên kế tiếp là thanh toán lương cho cán bộ nhân viên và chi phí vận hành chung. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn muốn dùng tiền góp vốn vào công ty con, thực hiện các dự án do NVL là chủ đầu tư. Đọc thêm & thảo luận tại đây
5. Toàn cảnh cổ tức Việt Nam trong năm 2023
Trong tuần cuối cùng của năm 2023 (25-29/12/2023), có 32 doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức bằng tiền, với 5 doanh nghiệp trả trên 20%. Tỷ lệ cao nhất là 30%, tương đương cổ đông sở hữu 1 cp sẽ nhận được 3,000 đồng.
*Lịch sự kiện
HDM là doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ cao nhất trong tuần tới (30%), là tạm ứng cổ tức cho năm 2023.
Trên thị trường, Doanh nghiệp đang lưu hành hơn 20 triệu cp. Như vậy, ước tính HDM cần chi hơn 60 tỷ đồng để hoàn tất chi trả. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 27/12/2023, dự kiến chi trả vào 22/01/2024.
Với tỷ lệ thực hiện 25% (mỗi cổ phiếu nhận được 2,500 đồng), HTG là cái tên có tỷ lệ trả cổ tức cao thứ hai trong tuần tới, cũng là tạm ứng cổ tức năm 2023. Doanh nghiệp hiện có 36 triệu cp đang lưu hành, nên ước tính cần chi hơn 90 tỷ đồng. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 26/12/2023, dự kiến chi trả vào 26/01/2024.
Đứng thứ ba là DSN, với tỷ lệ 24% (2,400 đồng cho mỗi cổ phiếu sở hữu). Với hơn 12 triệu cp đang lưu hành, DSN cần chi gần 29 tỷ đồng để trả cổ tức. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 28/12/2023, dự kiến chi trả vào 12/01/2024.
QHD và VSH đều chốt quyền trả cổ tức với tỷ lệ 20% (mỗi cổ phiếu nhận được 2,000 đồng) trong tuần tới. Ước tính, 2 Doanh nghiệp cần chi lần lượt 11 tỷ đồng và hơn 473 tỷ đồng để hoàn tất chi trả. Ngày giao dịch không hưởng quyền đều là 28/12/2023. Đọc thêm & thảo luận tại đây