Bài viết này được viết từ thành viên của Group cộng đồng đầu tư Infina (Offcial Group). Link gốc bài viết tại đây nhé!
Thực tế không có trái phiếu an toàn mà cách đặt câu hỏi chính xác hơn là thế nào là một trái phiếu rủi ro thấp. Vì Trái phiếu là một sản phẩm đầu tư. DN đi vay tiền của chúng ta trên nguyên tắc Tự vay, tự trả, trự chịu trách nhiệm!
Trái phiếu rủi ro thấp thì đó phải là do doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm tốt. Xếp hạng tín nhiệm tốt không chỉ đến từ tình hình tài chính tốt mà còn đến từ mức độ rủi ro thấp trước tác động của môi trường vĩ mô, rủi ro của ngành và rủi ro chính doanh nghiệp đó.
Để dễ hình dung, chia sẻ mọi người một chút về kiến thức phân tích tín dụng qua 3 cases sau:
1) VNM: họ không đòn bảy tài chính (tiền mặt hơn 23 ngàn tỷ nhưng chỉ vay 9,5 ngàn tỷ); với dòng tiền EBITDA hàng năm khoảng 14 ngàn tỷ/năm thì họ có thể vay được vài tỷ USD, nhưng mô hình kinh doanh của họ đã bão hòa và chiến lược mở rộng cũng thận trọng. ==> nhưng RẤT TIẾC họ lại không có nhu cầu phát hành trái phiếu. Vay ngắn hạn của họ thì cũng chỉ xung quang 3%/ năm và lãi suất còn thấp hơn lãi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam, kỳ hạn 10 năm hiện nay.
2) MWG: cũng là một doanh nghiệp lớn đầu ngành có số dư vay nợ và trái phiếu 22,3 ngàn tỷ. Tức là DN cũng có mức độ đòn bảy tài chính nhất đinh:
– Nợ vay/ Vốn chủ ở mức khoảng 1x vào giữa năm 2022. Nợ vay ròng/ Vốn chủ = 0,32x vì MWG cũng có số dư tiền mặt lớn: 15 ngàn tỷ.
– Hệ số bao phủ lãi vay = khoảng 11-14x (lấy EBITDA chia cho chi phí lãi vay). Tức là ở mức rủi ro rất thấp. DN làm ra lợi nhuận và tiền để có thể trả được nhiều lần chi phí lãi vay như vậy.
– Hệ số bao phủ gốc vay = khoảng 4x (lấy gốc vay chia cho EBITDA)
==> MWG vay lãi suất thấp chủ yếu là vốn lưu động trên số dư hàng tồn kho lớn và trái phiếu MWG có phát hành nhưng cũng chỉ lãi suất 6,5%/ năm (tín chấp nhưng được bảo lãnh).
Nói tóm lại trái phiếu của các DN kiểu như trên thì hầu hết là trái phiếu có rủi ro thấp, và vì lẽ đó nên lãi suất trái phiếu cũng sẽ thấp, chỉ tầm 5-7%/ năm và giờ đi đến một case rủi ro rất cao này:
3) VKC Holdings: công ty đầu tiên tự nguyên công bố là không có trả năng trả lãi và gốc trái phiếu. Vậy hãy xem trước đó tình hình tài chính công ty này ra sao:
– Vay ngắn hạn 378 tỷ đồng trên vốn chủ 52 tỷ – tức là đòn bảy Nợ vay/Vốn chủ tầm hơn 7x tại 30/6/2022. Trước đó thì Nợ vay/ Vốn chủ chỉ khoảng 2x vào cuối năm 2021 nhưng do tình hình kinh doanh lỗ lớn 6T2022 đã làm tình hình tài chính suy yếu mạnh.
– Năng lực trả lãi vay cực yếu: chi phí lãi vây bình quân 20 tỷ/năm nhưng dòng tiền kinh doanh luôn âm. EBITDA cũng chỉ đủ trả lãi vay hai năm trước 2020 và 2021. Bạn có muốn đưa tiền/ mua trái phiếu của một DN mà làm ra tiền chỉ đủ hoặc không đủ trả lãi cho chủ nợ?
– Báo cáo tài chính thì bị kiểm toán viên ngoại trừ và hãng kiểm toán thì không có tên tuổi.
– Mới đây Ban lãnh đạo (mới) của VKC cũng đã chủ động công khai công bố là không trả được lãi và gốc trái phiếu đến hạn, tức là vỡ nợ trái phiếu. Khoản trái phiếu 200 tỷ, lãi suất 12% năm và có tài sản đảm bảo.
Vậy trái phiếu bạn đang sở hữu nằm trong hơn 700 doanh nghiệp có trái phiếu lưu hành hiện nay chất lượng tín dụng ra sao?
Nói chung để đánh giá được chất lượng trái phiếu thì không chỉ thông tin về lô trái phiếu đó mà điều quan trọng nhất là tổ chức phát hành đó làm ăn ra sao.
Hơn nữa số liệu và BCTC quá khứ là quan trọng nhưng triển vọng kinh doanh và dòng tiền thu về để đáp ứng nghĩa vụ nợ đó còn quan trọng hơn.
Tác giả: Nguyên Thi