Quẹt thẻ tín dụng, chuyển khoản online chính là những thói quen dễ dẫn đến sai lầm trong chi tiêu.
Có 1 thực tế như thế này, hiện nay, hầu hết những người đang trong độ tuổi 20, 30 hay 40, cũng đều có ít nhất 1 chiếc thẻ ngân hàng/thẻ tín dụng trong ví tiền. Và cũng có thể khẳng định, những tiện ích công nghệ đang có tác động mạnh mẽ đến sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của mọi người.
Đơn cử điển hình dễ thấy nhất chính là, trong người thường xuyên chỉ có dăm ba đồng lẻ tiền mặt, thậm chí có những người còn không mang theo ví; nhưng nhiều người trẻ vẫn yên tâm thảnh thơi mỗi khi bước chân ra ngoài.
Theo Nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng do công ty VISA công bố hồi đầu tháng 6/2022, 65% người tiêu dùng Việt cho biết họ mang ít tiền mặt hơn trong ví và 32% khẳng định sẽ ngưng sử dụng tiền mặt sau đại dịch.
Tính đến nay, gần 76% người tiêu dùng đang sử dụng ít nhất một dịch vụ ví điện tử và tỷ lệ người sử dụng thẻ còn cao hơn (82%).
Cùng với đó, giữa xã hội ngày càng ồn ào và nhiều biến động, người trẻ hướng tới những giá trị sống đơn giản, nhưng dễ dàng mang lại hạnh phúc nhanh nhất. Và đôi khi, việc ngay lập tức mua được thứ mình cần mà không phải chờ đợi ngày lương về cũng đủ để mang lại cảm giác thỏa mãn, hạnh phúc cho con người.
Song, cuộc sống không tiền mặt cũng có 2 mặt của nó. Hãy cùng gặp gỡ 3 bạn trẻ đã rơi vào “vũ trụ thẻ tín dụng” để tìm hiểu xem từ sau khi sử dụng phương thức thanh toán này, thói quen chi tiêu của họ đã thay đổi như thế nào và trải nghiệm thực tế ra sao nhé!
- Hà Anh: 25 tuổi, chuyên viên tài chính, thu nhập trung bình mỗi tháng từ 12-15 triệu đồng.
- Thúy Nhi: 26 tuổi, nhân viên kinh doanh, thu nhập trung bình từ 9-10 triệu đồng/tháng.
- Nguyễn Trang: 29 tuổi, nhân viên văn phòng, thu nhập trung bình 25 triệu đồng/tháng.
Nội dung chính
Áp dụng công nghệ để cuộc sống giản tiện, không rút tiền mặt để tiết kiệm
Người trẻ hiện nay có xu hướng sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Thay vào đó, trả tiền qua thẻ ngân hàng, chẳng hạn như thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ chính là thói quen thanh toán phổ biến. Lý do được cho là để không lo lắng bị mất trộm hay tiêu xài quá tay, thậm chí còn có thể tiết kiệm.
“Đã từ rất lâu rồi, tôi thường xuyên không có tiền mặt trong ví để tiết kiệm d. Suy nghĩ đi đến đâu cũng có máy quẹt thẻ hoặc được chuyển khoản thanh toán online, có những nơi còn có sẵn mã QR để quét rất tiện nên tôi càng không có hứng thú với việc chi tiêu bằng tiền mặt.” – Hà Anh nói.
“Nhưng nếu chỉ nghe từng này, mọi người sẽ thấy có vẻ như nhờ việc này, chúng ta cũng tự biến mình thành người tiêu dùng thông minh, bằng cách chọn lựa được những món hàng tốt nhất với giá phù hợp nhất hoặc hạn chế việc tiêu tiền vì… không nhìn thấy tiền thì sẽ không tiêu. Chưa kể còn dễ dàng kiểm tra được số tiền mình có mà không mất công đếm đi đếm lại. Đó là những niềm vui giản đơn mà thật khó có được khi vẫn giữ thói quen thanh toán bằng tiền mặt phải không?
Ai cũng nghĩ như vậy sẽ giúp mình tiết kiệm và cuộc sống giản tiện cho đến khi thực tế chứng minh điều ngược lại.” – Hà Anh nói tiếp.
Thế nhưng…
“Không cầm tiền – vẫn tiêu tiền, chốt đơn như thường”
Nguyễn Trang (29 tuổi, quận 1, TP. HCM) cũng thường xuyên than vãn vì chưa hết tháng đã hết tiền tiêu dù thu nhập không phải mức thấp và hiện cũng không bị ràng buộc hay phải có trách nhiệm với ai. Cô không sử dụng tiền mặt đã được khoảng 3 năm để tiết kiệm, khi công nghệ thanh toán online ngày càng trở nên phổ biến. Trung bình, mỗi 1 lần rút tiền, Trang chỉ rút khoảng từ 200 – 500k tiền mặt để đổ xăng xe, tiền giữ xe hoặc mua sắm các đồ nhỏ lẻ trong trường hợp cần gấp.
Còn mỗi lần lương về, với mức thu nhập 25 triệu đồng/tháng, Trang đều đặn thanh toán dư nợ thẻ tín dụng, trả tiền nhà, tiền điện nước rồi sau đó phân chia tiền vào các ví điện tử, thẻ ngân hàng khác nhau nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt chung và vì mục. Phần còn lại (khoảng 2 – 5 triệu đồng) được chuyển vào 1 thẻ ngân hàng khác và số tiền đó để tiết kiệm.
“Dù không có tiền mặt nhưng bây giờ, ngay cả những hàng quán nhỏ ở vỉa hè, ven đường như người bán trái cây, nước ép hay cơm tấm… cũng đã cho phép thanh toán chuyển khoản. Một số nơi, chủ quán còn in sẵn 3 số tài khoản ngân hàng, 2 mã QR ví điện tử ngay bên cạnh quầy cơm để khách hàng tiện lựa chọn.
Còn các trung tâm thương mại hay cửa hàng lớn thì đương nhiên điều này quá dễ rồi. Đến cửa hàng bán đồ online còn không chỉ cho phép khách chuyển khoản mà còn được thanh toán qua ví điện tử, thẻ tín dụng…
Có lẽ vì mua sắm, thanh toán bây giờ tiện là thế nên thú thực, tôi càng khó tiết kiệm.” – Trang bày tỏ.
Giống như Trang, tuy không cầm tiền mặt, Hà Anh (25 tuổi, quận Hà Đông) vẫn liên tục “chốt đơn” mỗi lần đi siêu thị/trung tâm thương mại, hoặc thậm chí là trên các sàn thương mại điện tử vì đã tích hợp phần thanh toán bằng thẻ ATM/Visa…
“Mình nhớ có lần mình thích 1 đôi giày lắm, giá khoảng 5 triệu đồng nên chẳng mua được vì số dư tài khoản không đủ. Đến 1 hôm, trong lúc đang đi ăn tối rồi cà phê cùng đứa bạn lâu ngày không gặp thì lại vô tình nhìn thấy ngay đôi giày ấy. Sẵn tiện ở đó chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng nên mình mua luôn rồi tháng sau trả.” – Hà Anh chia sẻ.
Trong khi đó, Thúy Nhi (26 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) còn tiêu xài âm cả vào tiền tiết kiệm do thói quen thanh toán online.
“Tôi tìm hiểu khá kỹ về quản lý tài chính nên sau mỗi kỳ nhận lương, lúc nào việc đầu tiên tôi làm cũng là chuyển 2 triệu đồng sang tài khoản tiết kiệm riêng và tự hứa sẽ không dùng tới.
Ban đầu, tôi lựa chọn cách thức này để dành này vì lãi suất tương đối hợp lý và có thể rút tiền bất cứ lúc nào mà không mất lãi. Nhưng không ngờ, chính vì có rút tiền bất cứ khi nào nên tôi đã tiêu luôn cả tiền tiết kiệm của mình và hao hụt tới hơn 1 nửa.” – Nhi ngao ngán chia sẻ.
Nhi khẳng định, đúng là không phải cứ tìm hiểu kĩ về quản lý tài chính cá nhân rồi áp dụng đúng bước thì chúng ta có thể đạt được mục tiêu của mình.
Thay vào đó, cám dỗ từ thói quen chi tiêu và mua sắm mới là điều mọi người nên cân nhắc và cẩn trọng.
Thanh toán càng dễ dàng, càng dễ mua thêm những món đồ không cần thiết
Hà Anh thừa nhận, tuy mức thu nhập không cao nhưng mỗi lần đi chơi, cô thường tiêu tốn trung bình khoảng 1-1,5 triệu đồng, thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc chia tiền, chuyển khoản lại cho bạn.
“Sau nhiều lần quẹt bằng thẻ tín dụng của tôi rồi bạn bè chuyển khoản lại, nhưng tôi không thanh toán luôn cho thẻ mà dùng tiền đó chi tiêu nên tôi chọn cách ngược lại: để các bạn thanh toán rồi mình chuyển khoản.
Tuy vậy, tôi vẫn không dư được đồng nào vì đi đâu cũng có máy quẹt thẻ, thanh toán online cũng liên kết tài khoản sẵn sàng, chỉ việc nhập vài bước cơ bản là xong. Thế nên, bằng 1 cách nào đó, dù có giấu tiền đi đâu thì tôi cũng lấy ra và tiêu bằng sạch.” – Hà Anh tâm sự.
Đấy là chưa kể, có những đêm không ngủ được, chỉ cần nằm nghịch điện thoại thôi cũng dễ dàng chốt vài đơn mà theo các cửa hàng là đang được “sale đậm”. Mua nhiều nhưng có khi lại chẳng dùng đến.
Vậy, chúng ta nên dùng thẻ tín dụng sao cho đúng?
Liên quan tới vấn đề này, chị Mina Chung – Đại sứ của nền tảng cộng đồng phụ nữ về tài chính và sự nghiệp cho biết:
“Không nợ thẻ tín dụng, thiết lập trả tự động đúng hạn; không cần quá nhiều thẻ. Biết điểm tích cực của thẻ như tiêu trước trả sau, lấy điểm tích lũy đổi vé máy bay, xây dựng profile tín dụng tốt sẽ giúp các bạn có lợi hơn cho các khoản vay sau này.”
Cùng với đó, chị Mina Chung cũng gợi ý một số cách để hạn chế việc tiêu dùng quá tay như: Nên để thẻ ATM, thẻ tín dụng tại nhà; chỉ mang tiền mặt hoặc thẻ có số dư nhỏ để hạn chế mua sắm và đó là cách tiết kiệm hiệu quả nhất…
Nghiên cứu thị trường được thực hiện bởi Dun & Bradstre cho thấy, mọi người tiêu nhiều hơn 12%-18% khi sử dụng thẻ thay vì tiền mặt.
Còn trong một cuộc khảo sát nghiên cứu về kinh tế học, 1 nửa số người tham gia chọn cách mua hàng bằng thẻ tín dụng. Những người này sẵn sàng trả nhiều hơn gấp đôi những người trả bằng tiền mặt chỉ để họ phải thanh toán hóa đơn vào tháng sau.
Bài viết ghi theo chia sẻ của các nhân vật.
Tác giả: Lam Anh
Nguồn: Phụ nữ Việt Nam
Xem thêm: Tiết kiệm 850.000 USD/năm nhờ 3 mẹo quản lý chi tiêu