Với các nhà đầu tư (NĐT) mới bước vào thị trường, đôi khi chúng ta nghe những NĐT khác bàn luận sôi nổi về các vấn đề như: “hôm qua tôi khớp lệnh ATO và ATC luôn” “Hôm qua ở phiên ATC, lệnh ATC của tôi không khớp và bị hủy”… và nhiều hơn các câu thảo luận xoay quanh các vấn đề này. Hôm nay Infina sẽ tổng hợp và phân loại cho các bạn chi tiết nhất các loại lệnh chứng khoán, các khái niệm, và điều kiện để đặt các lệnh này. Đây là thông tin rất quan trọng cho các NĐT mới nhé. Bắt đầu thôi nào.
Bạn có thể tìm hiểu full series Kiến thức đầu tư cơ bản tại đây:
Nội dung chính
Lệnh ATO ATC là gì?
Đây là 2 thuật ngữ lệnh rất phổ biến trong các loại lệnh chứng khoán.
Lệnh ATO là gì?
Lệnh ATO (At The Opening) là lệnh mua hoặc bán được đặt vào thời điểm mở cửa sàn giao dịch chứng khoán. Lệnh này chỉ có giá trị trong 15 phút của phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá mở cửa.
Lệnh ATO chỉ được áp dụng đối với các cổ phiếu được niêm yết trên sàn HoSE. Khi bạn đặt một lệnh ATO, bạn chỉ định giá và số lượng cổ phiếu mà bạn muốn mua hoặc bán tại thời điểm mở cửa sàn giao dịch. Lệnh này được gửi đến hệ thống giao dịch trước khi thị trường mở cửa, và nó được thực hiện ngay khi giao dịch bắt đầu. Việc sử dụng lệnh ATO có thể giúp bạn thực hiện giao dịch nhanh chóng và có thể đạt được giá tốt hơn so với việc gửi lệnh vào thời điểm sau khi thị trường đã mở.
Phiên ATO là gì?
Là phiên định kỳ (khung thời gian giao dịch) mở cửa chỉ có ở sàn HOSE vào lúc 9h00 đến 9h15 hàng ngày. Lệnh ATO được ưu tiên trước các lệnh giới hạn trong khi so khớp lệnh, hết phiên ATO các lệnh ATO không được khớp hoặc phần lệnh không được khớp hết sẽ bị hủy ngay lập tức.
Lệnh ATC trong chứng khoán là gì?
Ngược lại với ATO, lệnh ATC: At the closing (tại giá đóng cửa) trong chứng khoán là lệnh đặt mua hoặc bán chứng khoán tại mức giá đóng cửa. Hiện nay trên thị trường chứng khoán Việt Nam lệnh này được áp dụng ở Phiên Định kỳ đóng cửa của sàn HOSE và sàn HNX
Phiên ATC là gì?
Là phiên định kỳ (khung thời gian giao dịch) đóng cửa của cả 2 sàn HOSE và sàn HNX vào lúc 14h30-14h45 hàng ngày. Lệnh ATC sẽ tự động tự hủy bỏ sau khi hết phiên nếu lệnh không được thực hiện hoặc không được thực hiện hết.
NĐT sẽ không thể đặt lệnh ATO, ATC đối với các cổ phiếu trên sàn UPCOM.
Theo thống kê ước lượng thì 2 lệnh ATO và ATC chiến khoảng 4% số lệnh đặt trên thị trường. Về bản chất lệnh mua ATO/ATC giống như lệnh mua trần nhưng còn được ưu tiên xếp trước trong khi khớp lệnh, lệnh bán ATO/ATC giống như lệnh bán sàn nhưng còn được ưu tiên xếp trước khi khớp lệnh. Mục đích của việc đưa ra lệnh ATO/ATC nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường.
Như vậy kết hợp các khái niệm trên, các NĐT cũng đã hiểu giá ATO là gì, giá ATC là gì, cách đặt lệnh ATO, ATC. Hãy tiếp tục theo dõi bài viết các loại lệnh chứng khoán tại Việt Nam nào!
Phương pháp sử dụng lệnh ATO và ATC hiệu quả
Đối với NĐT muốn mua giá trần hoặc bán giá sàn
Đối với những trường hợp này thường cơ hội cho NĐT mua hoặc bán được cổ phiếu là rất ít vì khi đó khối lượng bán ra (trường hợp đua trần) và mua vào (trường hợp thoát sàn) trong phiên ATC là rất nhỏ so với lượng cung cầu đối ứng.
Bởi vậy với những phiên GD như vậy, Infina khuyến nghị NĐT nên mạnh dạn mua ngay từ trong phiên khớp lệnh liên tục, hoặc phải đặt lệnh ATO/ATC sớm nhất có thể (tùy theo quy định của CTCK nơi NĐT mở tài khoản), như vậy khả năng NĐT được khớp lệnh sẽ cao hơn.
Đối với NĐT đơn thuần muốn được ưu tiên mua/bán cổ phiếu
Infina khuyến nghị NĐT nên đặt lệnh trong khoảng 5 phút cuối phiên. Vì chỉ cần một lệnh mua giá cao/bán giá thấp đột biến với khối lượng lớn tức khắc sẽ thay đổi hoàn toàn giá khớp của phiên ATO/ATC, thậm chí thay đổi giá cổ phiếu hoàn toàn so với nền giá của cả ngày giao dịch. Các lệnh lớn này là của các nhà tạo lập thị trường đưa vào và thường được nhập vào cuối phiên, nhất là với phiên ATC.
Đây là một hiện tượng rất phổ biến trên TTCK, do đó NĐT nên dành 10 phút đầu phiên ATO/ ATC để quan sát, nhận định xu thế tạo lập giá cổ phiếu trong phiên. Sau đó trong 5 phút cuối NĐT mới đưa ra quyết định và nhập lệnh như vậy sẽ hạn chế rủi ro hơn. Vì NĐT cần hiểu rằng khi đã đặt lệnh ATO thì chúng ta phải mua/ bán với mức giá hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của mình.
Lệnh LO là gì?
Định nghĩa
Lệnh LO (Limit Order) là lệnh giới hạn trong chứng khoán, đồng thời là lệnh phổ biến và cơ bản nhất mà hầu hết 100% các Nhà Đầu tư cần nắm vững đầu tiên. Khoảng 95% lệnh đặt trên Thị trường chứng khoán đều đến từ lệnh LO.
Lệnh LO là lệnh mua hoặc lệnh bán chứng khoán tại một mức giá xác định hoặc tốt hơn. Lệnh có hiệu lực kể từ khi được nhập vào hệ thống giao dịch cho đến hết ngày giao dịch hoặc cho đến khi lệnh bị hủy bỏ. Lệnh được sử dụng trong thời gian 9h15 – 11h30 và từ 13h – 14h30.
Đặc điểm
- Được phép dùng trong toàn bộ thời gian GD.
- Có ghi giá (giá giới hạn mua/bán).
- Mua/bán ở mức giá giới hạn hoặc tốt hơn.
- Ưu tiên sau lệnh ATO/ATC.
- Có hiệu lực đến khi kết thúc ngày giao dịch hoặc đến thời điểm hủy lệnh.
Lệnh GTD là gì?
Định nghĩa
Lệnh GTD hay còn gọi là lệnh nhiều ngày trong tiếng Anh được gọi là Good Till Canceled with Date Specified – GTD.
Lệnh GTD là lệnh có hiệu lực trong thời gian thị trường mở cửa cho đến khi nó được thực hiện (Khớp hết toàn bộ, hết thời hạn hoặc người dùng hủy lệnh)
Nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua/bán nhiều ngày tại mức giá mục tiêu mong muốn chỉ bằng 1 lần đặt lệnh duy nhất.
Đặc điểm
- Lệnh GTD chỉ nhận loại lệnh Limit.
- Ngày hết hạn là ngày lệnh của nhà đầu tư hết hiệu lực. Lệnh GTD có hiệu lực tối đa 30 ngày kể từ ngày đặt lệnh.
- Lệnh GTD của nhà đầu tư được đẩy ngay lên sàn trong giờ giao dịch nếu thỏa mãn điều kiện về giá và sức mua.
- Lệnh GTD khớp một phần sẽ kết thúc khi khối lượng đặt khớp hết hoặc đến ngày hết hạn hoặc khi nhà đầu tư hủy lệnh đã đặt.
- Nhà đầu tư có thể Hủy hoặc Thay đổi thông tin lệnh GTD (Giá, Khối lượng đặt) tại Sổ lệnh trong ngày.
Nhóm lệnh MP
Định nghĩa lệnh MP là gì?
Các loại lệnh chứng khoán tiếp theo chính là lệnh MP, trong tiếng anh là Market Price: giá trị trường.
Lệnh MP trong chứng khoán là lệnh mua/bán chứng khoán tại mức giá bán thấp nhất/ giá mua cao nhất hiện có trên thị trường. Loại lệnh này chỉ chiếm khoảng 1% số lượng trên thị trường.
Lệnh MP trên HSX
Khi được nhập vào hệ thống giao dịch, lệnh mua MP sẽ được thực hiện ngay tại mức giá bán thấp nhất và lệnh bán MP sẽ thực hiện ngay tại mức giá mua cao nhất hiện có trên thị trường.
Nếu khối lượng đặt lệnh của lệnh MP vẫn chưa được thực hiện hết, lệnh MP sẽ được xem là lệnh mua tại mức giá bán cao hơn hoặc lệnh bán tại mức giá mua thấp hơn tiếp theo hiện có trên thị trường và tiếp tục so khớp.
Nếu khối lượng đặt của lệnh MP vẫn còn sau khi giao dịch theo nguyên tắc trên và không thể tiếp tục khớp được nữa thì lệnh MP sẽ được chuyển thành lệnh giới hạn mua tại mức giá cao hơn một đơn vị yết giá so với giá giao dịch cuối cùng trước đó hoặc lệnh giới hạn bán tại mức giá thấp hơn một đơn vị yết giá so với giá giao dịch cuối cùng trước đó.
Trường hợp giá thực hiện cuối cùng là giá trần đối với lệnh mua MP hoặc giá sàn đối với lệnh bán MP thì lệnh thị trường sẽ được chuyển thành lệnh giới hạn mua tại giá trần hoặc lệnh giới hạn bán tại giá sàn.
Đặc điểm
- Lệnh MP có hiệu lực trong phiên khớp lệnh liên tục
- Lệnh MP sẽ tự động hủy nếu không có lệnh giới hạn đối ứng tại thời điểm nhập lệnh vào hệ thống giao dịch.
- Lệnh mua MP của nhà đầu tư nước ngoài sau khi khớp một phần, phần còn lại sẽ tự động hủy nếu chứng khoán hết room.
Lệnh MP trên HNX
Sàn chứng khoán Hà Nội diễn giải khái niệm lệnh thị trường tương tự sàn TP HCM, nhưng phân chia các loại lệnh có sự khác biệt. Theo đó, lệnh thị trường trên sàn này được chia thành 3 loại:
- Lệnh thị trường giới hạn (MTL): nếu không thực hiện được toàn bộ thì phần còn lại chuyển thành lệnh LO và áp dụng các quy định về sửa, hủy đối với lệnh LO.
- Lệnh thị trường khớp toàn bộ hoặc huỷ (MOK): nếu không thực hiện được toàn bộ thì bị hủy ngay sau khi nhập.
- Lệnh thị trường khớp và hủy (MAK): tức có thể thực hiện toàn bộ hoặc một phần, phần còn lại sẽ bị hủy ngay sau khi khớp lệnh.
Định nghĩa lệnh PLO
Lệnh PLO (Post Limit Order) là khớp lệnh sau giờ và chỉ áp dụng cho sàn chứng khoán Hà Nội. Lệnh PLO trong chứng khoán là lệnh mua hoặc bán chứng khoán tại mức giá đóng cửa sau khi kết thúc phiên ATC.
Đây là một trong các loại lệnh chứng khoán mà nhà đầu tư chỉ được nhập lệnh này vào hệ thống trong khoảng 14h45-15h, nếu có lệnh đối ứng chờ sẵn thì được khớp ngay. Các lệnh PLO không được thực hiện hoặc phần còn lại của lệnh không thực hiện hết tự động bị huỷ.
Trong trường hợp phiên khớp lệnh định kỳ không xác định được giá đóng cửa thì lệnh PLO cũng không được nhập vào hệ thống.
Thế nào là lệnh 247?
Như ta thường hiểu 24/7 ý nghĩa chỉ sự liên tục 24 giờ trong 7 ngày trong tuần. Lệnh 247 ở đây cũng có ý nghĩa như vậy. Đây là một tính năng (tùy theo từng Công ty Chứng khoán) hỗ trợ cho khách hàng được phép đặt lệnh ở mọi thời điểm.
Nhóm lệnh điều kiện
Định nghĩa
Thực chất là một tính năng để nhà đầu tư mua bán linh hoạt, nhất là những nhà đầu tư không có nhiều thời gian theo dõi bảng điện tử. Lệnh điều kiện chi thành nhiều loại, cụ thể:
Lệnh điều kiện với thời gian (TCO)
Nhà đầu tư có thể đặt lệnh trước phiên giao dịch từ một đến nhiều ngày với số lượng và mức giá xác định. Lệnh này có hiệu lực tối đa trong 30 ngày.
Lệnh tranh mua hoặc tranh bán (PRO)
Là lệnh nhà đầu tư sẵn sàng mua ở các giá ATO/trần/ATC và sẵn sàng bán ở các giá ATO/sàn/ATC. Lệnh có hiệu lực cho phiên giao dịch kế tiếp sau khi nhà đầu tư đặt và có thể đặt trước cho tối đa 30 ngày giao dịch kế tiếp.
Lệnh dừng (ST)
Đây cũng là một trong các loại lệnh chứng khoán để nhà đầu tư xác định trước giá cắt lỗ hoặc chốt lãi trong tương lai. Lệnh này có hiệu lực ngay khi nhà đầu tư đặt và kéo dài trong 30 ngày.
Lệnh xu hướng (TS)
Nhà đầu tư sẽ chọn mã chứng khoán và khối lượng muốn giao dịch, cộng thêm khoảng dừng theo giá trị tuyệt đối (nghìn đồng) hoặc giá trị tương đối (%). Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể thiết lập thêm giá mua thấp nhất hoặc bán cao nhất. Khi giá chứng khoán chạm đến khoảng dừng hoặc giá thì lệnh sẽ được kích hoạt. Tương tự các lệnh điều kiện khác, lệnh xu hướng có hiệu lực tối đa 30 ngày.
Việc đặt lệnh được thực hiện bất cứ lúc nào, sau đó lệnh nằm chờ trong hệ thống của công ty chứng khoán và chỉ được kích hoạt khi thoả mãn điều kiện chọn trước. Nhà đầu tư có thể chọn hình thức khớp lệnh là phát sinh một lần (đồng nghĩa sau khi được kích hoạt thì dù khớp hết, khớp một phần hay không khớp thì cũng bị huỷ bỏ) hoặc phát sinh cho tới khi khớp hết khối lượng.
App đầu tư chứng khoán dành cho người mới bắt đầu
Đầu tư cổ phiếu lô lẻ với giá cực thấp – trải nghiệm làm cổ đông các công ty lớn với số vốn nhỏ. Bạn có thể mở tài khoản chứng khoán trực tiếp tại app Infina và giao dịch chứng khoán lô lẻ với số vốn cực thấp chỉ từ 10.000đ.
Tổng kết
Trên đây là các loại lệnh trong chứng khoán mà Infina đã tổng hợp chi tiết nhất. Các nhà đầu tư mới nên nhớ các khái niệm và khung giờ giao dịch của các lệnh này để có một chiến lược giao dịch hợp lý nhất nhé.
Bạn có cảm nghĩ như thế nào? Hãy để lại bình luận phía dưới nhé!
Xem thêm: