Top 5 bài viết nổi bật tại cộng đồng Infina tuần 5/9 – 11/9/2024

Top 5 bài viết nổi bật tại cộng đồng Infina tuần 5/9 - 11/9/2024
5/5 - (1 vote)

1. Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng tự “nới room” tín dụng

Top 5 bài viết nổi bật tại cộng đồng Infina tuần 5/9 - 11/9/2024

Ngày 28/8/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản thông báo: các tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước thông báo từ đầu năm sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ, không cần đề nghị cơ quan quản lý…

Theo đó, từ 28/8, tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước đã thông báo từ đầu năm sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của tổ chức tín dụng. Việc bổ sung hạn mức trên là sự chủ. động của Ngân hàng Nhà nước mà các tổ chức tín dụng không cần phải đề nghị.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về hoạt động tiền tệ, tín dụng và các quy định về cấp tín dụng của Ngân hàng Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ.

Ngoài ra, các đơn vị tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, lành mạnh, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động. Cùng đó, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và tăng cường triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động; đơn giản hóa thủ tục cho vay cũng như ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay.

Văn bản cũng nêu rõ, việc cấp tín dụng đối với khách hàng cần tuân theo quy định của pháp luật, các tổ chức tín dụng cần tăng cường các biện pháp kiểm soát rủi ro tín dụng, đảm bảo chất lượng tín dụng.

Theo văn bản nêu trên, bám sát Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã và đang điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng ở mức khoảng 15% (xét trên toàn hệ thống – Pv) tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024. Đọc thêm & thảo luận tại đây

2. Vì sao mã GAS nên có trong danh mục của bạn

Top 5 bài viết nổi bật tại cộng đồng Infina tuần 5/9 - 11/9/2024

Dẫn đầu nguồn cung LPG: PV GAS có năng lực sản xuất 450.000 – 500.000 tấn LPG/năm, chiếm 70% thị phần LPG Việt Nam. Vào cuối tháng 7, công ty đưa vào hoạt động 3 bồn chứa LPG tại Kho cảng PV GAS Vũng Tàu, tăng sức chứa lên 50% tổng công suất LPG cả nước, củng cố vị thế dẫn đầu.

Nâng công suất LNG Thị Vải: PV GAS nắm giữ khoảng 50% thị phần LNG. Công ty sẽ khởi công giai đoạn 2 của Kho LNG Thị Vải, nâng công suất lên 3 triệu tấn/năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2026.

Tham gia dự án điện khí Lô B Ô Môn: PV GAS tham gia dự án đường ống dẫn khí Lô B-Ô Môn với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD (góp vốn 51%). Dự án dự kiến mang về 10 nghìn tỷ đồng doanh thu mỗi năm từ năm 2027 và cung cấp 5 tỷ m³ khí hàng năm.

Mở rộng khai thác khí: Công ty đã ký hợp đồng hợp tác với các mỏ khí mới như Khánh Mỹ – Đầm Dơi (4,03 tỷ m³), Nam Du – U Minh (5,6 tỷ m³), và Thiên Nga – Hải Âu (7,43 tỷ m³) để mở rộng nguồn cung khí.

Chi trả cổ tức cao kỷ lục: PV GAS sẽ chi trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 60% (6.000 đồng/cổ phiếu), mức cao nhất kể từ khi niêm yết. Ngày đăng ký cuối cùng 16/09. Thêm vào đó năm nay công ty thực hiện phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn với tỷ lệ 50:1. Đọc thêm & thảo luận tại đây

3. Quản lý tài chính gia đình hợp lý tránh xung đột trong cuộc sống hôn nhân

Top 5 bài viết nổi bật tại cộng đồng Infina tuần 5/9 - 11/9/2024

Quản lý tài chính gia đình là quá trình kiểm soát việc sử dụng tiền trong gia đình, bao gồm cả thu nhập và chi tiêu. Gia đình có cách quản lý tài chính hiệu quả sẽ đảm bảo sự ổn định và phát triển.

Thảo luận và đưa ra kế hoạch chi tiêu chung

Một trong những cách hiệu quả để tránh xung đột tài chính trong gia đình là thảo luận và đưa ra kế hoạch chi tiêu chung.

Hai vợ chồng có thể ngồi lại với nhau để thảo luận về các chi phí, thu nhập và các khoản tiết kiệm để đưa ra một kế hoạch tài chính hợp lý. Điều này giúp đảm bảo rằng cả hai đang có chung suy nghĩ và mục tiêu về tài chính.

Giảm thiểu chi phí không cần thiết

Một cách để các gia đình tránh xung đột về tài chính là giảm thiểu chi phí không cần thiết. Ví dụ, nếu vợ hoặc chồng đang chi tiêu quá nhiều cho việc ăn ngoài, thì giờ đây họ có thể hạn chế và nấu ăn tại nhà.

Bên cạnh đó, người quản lý tiền bạc trong gia đình có thể ghi chép lại chi tiêu hoặc sử dụng phần mềm quản lý tài chính để theo dõi tình hình thu chi trong gia đình và cắt giảm hoặc điều chỉnh các khoản chi không hợp lý.

Việc hai vợ chồng hạn chế sử dụng tiền vào những việc không cần thiết, giúp tiết kiệm được một khoản và có nguồn tiền dự phòng khi cần dùng đến.

Xác định khoản chi cần ưu tiên

Khi đã đưa ra kế hoạch tài chính chung, cả hai có thể phân loại chi tiêu để xác định khoản chi cần được ưu tiên.

Hai vợ chồng có thể phân ra các khoản chi tiêu cố định cần được ưu tiên như tiền nhà, tiền điện, nước… và các khoản chi tiêu không cố định như giải trí, du lịch…

Đưa ra quyết định cùng nhau

Trong việc quản lý tài chính gia đình, cả hai cần đưa ra quyết định cùng nhau và không có quyết định chi số tiền lớn nào được đưa ra một cách đơn phương. Điều này giúp tránh việc một người chi tiêu quá đà và gây tranh cãi trong gia đình. Đọc thêm & thảo luận tại đây

4. Công ty cổ phần VNG đang làm ăn ra sao?

Top 5 bài viết nổi bật tại cộng đồng Infina tuần 5/9 - 11/9/2024

6 tháng đầu năm 2024, Công ty CP VNG (mã chứng khoán: VNZ) đạt doanh thu thuần 4.314 tỉ đồng nhưng lại lỗ đến 585,7 tỉ đồng. Đây là quý lỗ thứ 11 liên tiếp của công ty này
VNG được biết đến là một “kỳ lân công nghệ” của Việt Nam và là một trong những nhà phát hành sản phẩm công nghệ trực tuyến hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Công ty thành lập năm 2004 và hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh trò chơi trực tuyến.

Đến hiện tại, VNG vẫn là đơn vị kinh doanh trò chơi điện tử, cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng lớn ở Việt Nam. Đơn vị này nổi tiếng được biết đến khi phát hành các tựa game nổi tiếng một thời như Võ Lâm Truyền Kỳ, Kiếm Thế…

Ngoài ra, VNG còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực công nghệ khác như lập trình máy vi tính, sản xuất phần mềm, quảng cáo thương mại…

Đặc biệt, VNG còn là chủ nền tảng Zalo – ứng dụng nhắn tin, gọi điện phổ biến nhất ở Việt Nam, ứng dụng ví điện tử ZaloPay, đồng thời lấn sân sang lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Tính đến hết tháng 6-2024, Zalo có 77 triệu người dùng hoạt động hàng tháng (MAU), tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, và 1,9 tỉ tin nhắn gửi đi mỗi ngày, tăng 7%.

VNG hiện có vốn điều lệ 358,4 tỉ đồng, trong đó, VNG Ltd là cổ đông chính, nắm 49% vốn, Công ty CP Công nghệ BIGV nắm 17,84% vốn, ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc VNG nắm 8,846% vốn…Đọc thêm & thảo luận tại đây

5. 6 thương hiệu chủ chốt của Vingroup được vinh danh

Top 5 bài viết nổi bật tại cộng đồng Infina tuần 5/9 - 11/9/2024

Lần đầu tiên 6 thương hiệu chủ chốt thuộc hệ sinh thái Vingroup gồm Vinhomes, Vinpearl, Vincom Retail, VinFast, Vinschool, Vinmec đồng loạt được vinh danh trong Top 100, khẳng định sức mạnh và sự phát triển không ngừng của Tập đoàn đa ngành hàng đầu khu vực.

Theo Brand Finance, Vinhomes là thương hiệu có giá trị cao nhất trong hệ sinh thái Vingroup – ở mức 1,414 tỷ USD, đứng trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Công ty đã có sự phát triển vượt bậc về quy mô với 30 khu đô thị trên toàn quốc.

Bất động sản Vinhomes được đánh giá cao không chỉ bởi chất lượng và tiến độ xây dựng, thiết kế và cảnh quan, mà còn được yêu thích bởi hệ thống hạ tầng, tiện ích đồng bộ, chất lượng dịch vụ, và môi trường sống an toàn, văn minh.

Vinhomes vững vàng trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Với 30 khu đô thị trên toàn quốc, Vinhomes luôn được vinh danh là nhà phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam và khu vực

Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam còn ghi danh 3 thương hiệu gồm Vinpearl (vị trí 36), Vincom Retail (vị trí 39) và VinFast (vị trí 42).

Trong đó, Vinpearl được Brand Finance đánh giá là thương hiệu mạnh nhất bảng xếp hạng với giá trị thương hiệu tăng 34% lên 230 triệu USD. Việc Vinpearl vượt qua các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng để trở thành “quán quân” thương hiệu mạnh nhất Việt Nam đã minh chứng cho nỗ lực không ngừng của công ty nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, tăng nhận diện về sản phẩm và dịch vụ, từ đó nhận đánh giá “5 sao” từ khách hàng trong nước và quốc tế. Đọc thêm & thảo luận tại đây