Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã “hạ nhiệt”, với mức giảm đồng loạt từ 0,1 – 1%/năm ở các kỳ hạn. Trên biểu lãi chính thức, mức lãi suất trên 10% tại các ngân hàng hoàn toàn biến mất, cao nhất chỉ khoảng 9,5%/năm.
Mức lãi cao nhất khoảng 9,5%/ năm ghi nhận được tại các ngân hàng tư nhân quy mô nhỏ như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank), Ngân hàng TMCP Bản Việt (Vietcapital Bank), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank). Đây cũng là các nhà băng có biến động lãi suất đáng chú ý trong tháng đầu năm.
Saigonbank là ngân hàng có lãi suất giảm mạnh nhất. Cuối năm 2022, lãi tiết kiệm tại ngân hàng này lên tới 10,5%/năm. Tuy nhiên, chỉ qua 1 tháng, sau Tết Nguyên đán, theo biểu lãi suất mới, cao nhất tại ngân hàng này chỉ còn 9,5%/năm, áp dụng cho các khoản tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng.
Tháng trước, các ngân hàng tư nhân như Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) từng trả lãi tiết kiệm trên dưới 10%/năm thì nay đồng loạt hạ xuống 8,5-9,2%/ năm. Mức giảm trong khoảng 0,5-0,7%/năm.
Lãi suất huy động còn ghi nhận mức giảm 0,2 – 0,5%/ năm ở nhiều ngân hàng. Tại Vietcapital Bank, lãi suất tối đa nhà băng này đưa ra là 9%/năm, áp dụng với tiền gửi trực tuyến 12 tháng trở lên. Trước đó, cuối năm 2022, Vietcaptial Bank trả lãi 9,5%/ năm ở cùng kỳ hạn 12 ở các kỳ hạn thấp hơn, mức lãi suất ngân hàng này đưa ra lần lượt là 8,6%/năm với kỳ hạn 6-8 tháng; 8,8%/năm với kỳ hạn 9-11 tháng (đều giảm 0,2-0,5 %).
Tại PVCombank, trước đây lãi suất cao nhất là 9,9%/năm, dành cho khách hàng gửi tiền trực tuyến (theo hình thức tiền gửi bậc thang, kỳ hạn 36 tháng). Tuy nhiên, hiện tại, loại sản phẩm này chỉ còn lãi suất 9,5%/năm, giảm 0,4%/ năm
Tương tự, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đến nay đã hạ lãi suất huy động 0,3 – 0,4%/ năm so với thời điểm tháng 12/2022. Hiện mức lãi suất tối đa Techcombank trả cho khách hàng VIP là 9,2%/năm, cho khoản tiền gửi từ 3 tỷ đồng với kỳ hạn trên 6 tháng. Trong khi đó, khách hàng thường được trả lãi 8,9%/năm.
Với nhóm Big 4 (ngân hàng quốc doanh gồm VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank), mặt bằng lãi suất huy động vẫn duy trì ổn định so với cuối năm 2022. Hiện, lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 6-11 tháng tại nhóm ngân hàng này phổ biến trong khoảng 6-6,1%/năm và 7,4%/năm với kỳ hạn trên 12 tháng. Trên kênh online, VietinBank và BIDV có lãi suất vượt trội hơn, ở mức 8,2%/năm, kỳ hạn 12-24 tháng.
Dù có dấu hiệu giảm nhẹ trong tháng đầu năm, nhưng theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lãi suất huy động vẫn còn dư địa tăng trong năm 2023. Theo đó, áp lực lớn nhiều hơn vào thời điểm 6 tháng đầu năm, sau đó lãi suất huy động dự báo đi ngang, thậm chí hạ nhiệt vào nửa cuối năm. Lãi suất huy động được dự báo sẽ đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 với mức tăng 1-1,5%.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 11/2022, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 11,5 triệu tỷ đồng. So với đầu năm 2022, tổng tiền gửi của toàn hệ thống tăng 5,5%, tương đương tăng hơn 600.000 tỷ đồng.
Tác giả: Việt Linh
Nguồn: Báo Tiên Phong