Kinh nghiệm từ những người tiết kiệm được nửa thu nhập hàng tháng.
Tiết kiệm luôn được cho là cách bền nhất để giúp chúng ta hoàn thành mục tiêu tài chính cá nhân. Tuy nhiên, đạt được điều đó nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào số tiền tích lũy được hàng tháng. Có nhiều người tích lũy được ½ thu nhập trong khi một số người lương từ 5-10 triệu lại chật vật với tiết kiệm tiền, vậy bí quyết của họ là gì?
Xem thêm: Lương 10 triệu nên tiết kiệm và chi tiêu thế nào mới mua được nhà?
Quang Việt (31 tuổi) chia sẻ rằng bản thân đã bắt đầu hành trình tiết kiệm 50% thu nhập từ năm thứ 2 đi làm. “Khi mới ra trường, lần đầu có thu nhập, mình tiêu xài rất phung phí. Song, dần dần mình tiết chế lại và đi theo tiêu chí giảm chi tiêu – tăng tiết kiệm, chỉ dùng tiền vào những việc thật sự cần thiết”.
Cũng giống Quang Việt, Hoa Phạm khi mới bắt đầu công việc văn phòng, lương chưa cao chỉ tiết kiệm được một ít từ vài trăm ngàn đến 1 triệu/ tháng. Năm thứ 3 sau khi ra trường, Hoa mới có kế hoạch tiết kiệm dài hạn, có ghi chép về chi tiêu và để dành 1/2 thu nhập.
Khi thảo luận câu chuyện tích lũy nửa lương, có ý kiến cho rằng tiết kiệm đến như vậy chẳng khác gì đang keo kiệt với bản thân. Có làm thì cũng phải có tiêu, để có cảm giác “phần thưởng” với khoảng thời gian đã nỗ lực làm việc.
Thuỵ Ân (28 tuổi), tiết kiệm đến 70% thu nhập hàng tháng không đồng ý quan điểm này. Bởi vì cô bạn luôn phân bổ rõ ràng các khoản, có mục tiêu tiết kiệm nhưng cũng sẽ có phần hưởng thụ. “Mỗi năm, mình vẫn đều đặn đi du lịch nước ngoài chứ không vất vả như mọi người vẫn thường nói. Theo mình, chỉ cần có mục tiêu và chiến lược rõ ràng là đã có thể tiết kiệm được rồi”.
Bên cạnh đó, Quang Việt cho rằng quan điểm đó có thể đúng nhưng chỉ là cảm giác ban đầu khi chưa lên kế hoạch tài chính cá nhân. Theo Quang Việt, về bản chất, tiết kiệm là 1 loại kỷ luật, lên kế hoạch. Khi nghiêm túc làm theo kế hoạch đã định, thích nghi rồi sẽ không còn cảm giác khó khăn nữa, thậm chí tiết kiệm mang lại rất nhiều lợi ích.
Chẳng hạn, học được tính kỷ luật trong chi tiêu, có 1 khoản tiết kiệm đề phòng khi cần. Ngoài ra, tránh được cảm giác bực mình hay hối hận vì đã chi tiêu lãng phí, mua những món đồ không dùng tới hoặc chất lượng không tốt.
“Thu nhập cao là điều kiện giúp mình có thể chi tiêu và tiết kiệm được 70% lương, chứ làm 10 triệu không thể chỉ tiêu 3 triệu cho tất cả các chi phí sinh hoạt hàng ngày được”, Thụy Ân chia sẻ. Theo cô bạn, khi đạt được mức thu nhập tầm 20-30 triệu đồng/ tháng mới có thể nâng cao mức tích luỹ của bản thân.
Tuy nhiên, Hoa Phạm lại không cho như vậy. Với cô, việc dành bao nhiêu phần trăm thu nhập cho tiết kiệm phụ thuộc vào mức độ chi tiêu của mỗi cá nhân, không phụ thuộc nhiều vào mức thu nhập. Lương 5-10 triệu vẫn có thể tiết kiệm được 1/2 nếu biết cách lên kế hoạch cụ thể, chi tiết và thực hiện đúng các “cam kết” với chính mình.
Đối với Hoa Phạm, để tiết kiệm 50% lương sẽ có 2 mục chính mà mọi người cần tập trung để cải thiện, đó là tối ưu những khoản chi bắt buộc và đa dạng hóa nguồn thu nhập.
Có thể bắt đầu bằng những cách rất đơn giản như thuê chung nhà với người khác để giảm được tiền thuê nhà. Tự mua đồ về nấu sẽ giúp giảm đi rất nhiều chi phí trong ăn uống. “Mình sử dụng xe máy để đi làm cho phù hợp với tính chất công việc. Cho đến giờ, mình vẫn chưa mua xe ô tô vì cảm thấy chưa thực sự cần thiết. Khi cần di chuyển, mình đặt xe công nghệ. Thời gian đi trên xe, mình có thể làm việc hoặc nghỉ ngơi”, Hoa Phạm chia sẻ.
Bên cạnh việc tiết kiệm, cô cũng nhấn mạnh rằng nên luôn tìm cách cải thiện thu nhập, không nên chỉ phụ thuộc vào 1 nguồn thu. “Năm thứ 3 sau khi ra trường, bên cạnh việc làm tại cơ quan, mình có nhận thêm việc ở bên ngoài để làm vào buổi tối hoặc ngày nghỉ. Dần dần, nguồn thu nhập thứ 2 này đã giúp mình có thể tiết kiệm nhiều hơn. Từ thu nhập 4-5 triệu, mình nâng dần lên 7- 8 triệu rồi 10 triệu – 15 triệu. Dù ở mức thu nhập nào, mình cũng luôn giữ đúng “cam kết” dành 1/2 cho việc tiết kiệm dài hạn”.
Hiện nay, nhiều bạn trẻ đang muốn tiết kiệm nhiều hơn để nhanh chóng đạt được các mục tiêu tài chính trong tương lai. Tuy nhiên, họ khá mông lung trong việc nên bắt đầu từ đâu và dùng phương pháp nào.
Thụy Ân nhấn mạnh rằng cách thực tế và duy nhất chính là tạo ra nhiều nguồn thu nhập hơn. “Còn đối với những bạn có 1 công việc cố định khó có thể làm thêm, có thể chung với bạn bè để đầu tư thêm, từ nhỏ rồi sẽ thành lớn. Quan trong là tập được thói quen, các bạn sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu mong muốn”.
Quan điểm của Hoa Phạm là hãy tiết kiệm ngay từ bây giờ, dù mức thu nhập đang ở mức nào hãy cũng nghĩ và thực hành tích lũy tiền bạc. Trong quá trình này, cần ghi chép, lên kế hoạch chi tiết và rõ ràng. “Hãy chắc chắn về các khoản đầu tư, nếu không chắc chắn, tiền vẫn nên để dành tiết kiệm, Khi bạn chưa có đủ kiến thức để dùng tiền đầu tư, hãy chậm lại, học cách đầu tư từ những kênh nhỏ lẻ trước khi đầu tư vào các chỗ lớn cần nhiều tiền hơn”.
Quang Việt nhấn mạnh rằng các bạn mới ra trường hay đã đi làm lâu, luôn luôn giữ tinh thần chi tiêu hợp lý như thuở còn là sinh viên, nỗ lực tăng thu nhập song song với tiết kiệm chi tiêu. Tiết kiệm là quá trình lâu dài, mang tính lũy kế. Đừng dừng lại vì thấy chưa có nhiều, vì có thể trong tương lai bạn sẽ bất ngờ với khoản tiền mình đã tích lũy được.
Tác giả: Tô Diệp
Nguồn: Tri thức trẻ
Xem thêm: Tại sao gửi tiết kiệm lúc này, khách hàng hưởng lợi nhất?
1. Quỹ đầu tư là gì? Quỹ đầu tư, hay còn gọi là quỹ đại…
1. CASA: CASA là gì? CASA, viết tắt của Current Account Savings Account, là tài…
Quỹ dự phòng giúp bạn vượt qua khó khăn tài chính bất ngờ như mất…
1. Chi tiêu Tết 100 triệu đồng: Gia đình Hà Nội ưu tiên khoản biếu…
Rủi ro tỷ giá có thể ảnh hưởng lớn đến giá trị đầu tư quốc…
Tài khoản tiết kiệm online mang lại lợi ích vượt trội so với cách tiết…