Bước sang tháng 9, xu hướng điều chỉnh tăng cao biểu lãi suất tiết kiệm tiếp tục diễn ra sôi động. Thậm chí có ngân hàng đã mạnh tay nâng cao biên độ điều chỉnh so với tháng 8.
Sau 2 năm bùng nổ, thị trường chứng khoán và bất động sản trong 4 tháng gần đây đã trở nên ảm đạm rõ rệt. Trong khi đó, cuộc đua tăng lãi suất của các ngân hàng trong nước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến người dân “chăm” gửi tiết kiệm ngân hàng hơn.
Cụ thể, Ngân hàng ACB chính thức tăng thêm 0,1% lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn: Kỳ hạn 6 tháng với số tiền từ 500 triệu đồng trở lên sẽ được hưởng lãi suất ACB 6,1%/năm thay vì 6%/năm như cũ, với tiền gửi online ngân hàng ACB cũng tăng 0,1 điểm % lên 5,9%/năm.
Ở một ngân hàng lớn khác là MB, biểu lãi suất huy động hiện nay cũng đã có một số thay đổi so với đầu tháng 8. Theo đó, tại kỳ hạn ngắn, 7 tháng, 8 tháng, MB đã tăng lãi suất tiền gửi từ 5%/năm lên 5,3%/năm.
Một trong những ngân hàng có biểu lãi suất tiết kiệm cao nhất là Ngân hàng Nam Á, NamABank là 7,4%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 16 tháng trở lên khi gửi tiết kiệm online.
“Đối với bản thân mình thì mình sẽ sử dụng số tiền, số vốn của mình để gửi tiết kiệm ngân hàng. Thứ nhất là rất an toàn, tiếp theo là mức lãi suất ở thời điểm hiện tại là chấp nhận được so với việc sử dụng số vốn đó để đi đầu tư vào thị trường chứng khoán hay hoạt động kinh doanh khác. Bởi vì vốn của mình ít thế nên đầu tư vào các hoạt động kinh doanh khác lãi suất cũng không cao mà lại tiềm ẩn nhiều rủi ro”, anh Bùi Tiến, sống tại Long Biên, Hà Nội cho biết.
Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 8/2022 của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, lãi suất huy động từ đầu năm tới nay tại nhiều ngân hàng đã tăng từ 0,8 – 1%/năm và dự báo xu hướng này vẫn tiếp diễn. Mặt bằng lãi suất huy động dự báo tăng 1 – 1,5%/năm cho cả năm nay. Trong xu hướng này, người dân gửi tiết kiệm sẽ có lợi hơn so với các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, vàng, trái phiếu.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, lãi suất huy động có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong năm nay: “Lãi suất huy động đầu vào sẽ tiếp tục gia tăng ở một số thời điểm do áp lực lạm phát, do người dân vẫn muốn chuyển dịch kênh đầu tư, do đó, chúng ta phải tăng lãi suất huy động để thu hút dòng vốn tiền gửi từ dân cư và kể cả doanh nghiệp”.
Theo các chuyên gia kinh tế, động thái tăng lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng trong giai đoạn này là dễ hiểu khi nhu cầu vay vốn đang tăng cao. 6 tháng đầu năm, tín dụng tăng 9,35% so với cuối năm 2021 – đây là mức tăng 6 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 10 năm qua. Con số này phản ánh nhu cầu về vốn đang tăng mạnh trở lại để phục vụ sản xuất kinh doanh sau thời gian dài đình trệ vì dịch bệnh, đẩy lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động liên tiếp nhích tăng.
Tác giả: Bảo Ngọc
Nguồn: VOV
1. Quỹ đầu tư là gì? Quỹ đầu tư, hay còn gọi là quỹ đại…
1. CASA: CASA là gì? CASA, viết tắt của Current Account Savings Account, là tài…
Quỹ dự phòng giúp bạn vượt qua khó khăn tài chính bất ngờ như mất…
1. Chi tiêu Tết 100 triệu đồng: Gia đình Hà Nội ưu tiên khoản biếu…
Rủi ro tỷ giá có thể ảnh hưởng lớn đến giá trị đầu tư quốc…
Tài khoản tiết kiệm online mang lại lợi ích vượt trội so với cách tiết…