Tối giản trong suy nghĩ: Hãy chủ động trong tiêu thụ thông tin

Tối giản trong suy nghĩ: Hãy chủ động trong tiêu thụ thông tin
Đánh giá tại đây

1. Có bao nhiêu khoảng trống trong suy nghĩ của bạn?

Thường sau mỗi khi dọn nhà, nhìn nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, thoáng đãng, thơm tho – bạn cảm thấy rất yêu đời. Chúng ta thường dành thời gian dọn nhà, người chăm thì dọn hằng ngày, người ít chăm hơn thì mỗi tuần dọn một lần. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa dành nhiều thời gian như thế cho việc dọn dẹp suy nghĩ trong đầu.

Thử nghĩ về ngày hôm qua xem, có bao nhiêu khoảng thời gian trong ngày đầu bạn thực sự rỗng, trống không, không suy nghĩ về một chuyện gì đó? Không nhớ lại chuyện quá khứ, cũng không tưởng tượng các viễn cảnh tương lai. Nếu may mắn, bạn sẽ có vài khoảng trống như vậy vào lúc chạy xe, lúc tắm, lúc chuẩn bị ngủ. Mà có khi những lúc đó não bạn cũng đang suy nghĩ hết công suất luôn.

Những suy nghĩ và ý tưởng xuất thần thường xuất hiện vào những lúc não chúng ta “rỗng”, giống như nước ở dòng sông sẽ trong và nhìn rõ khi cát lắng hết xuống đáy. Hằng ngày bạn cũng nên dành thời gian dọn dẹp tâm trí để tâm trí có những lúc sạch sẽ, gọn gàng, thoáng đãng như bạn dọn nhà.

Nếu bạn dọn nhà bằng chổi, khăn lau nhà, nước lau sàn, tâm trí có thể dọn bằng thiền. Nếu bạn tin vào tôn giáo và tâm linh, có thể thực hành thiền theo các sách, chương trình bên Phật (tham khảo các các sách của thầy Thích Nhất Hạnh). Nếu bạn tin vào những bằng chứng khoa học, hãy thử ứng dụng Headspace (tiếng Anh) và đọc sách Search Inside Yourself (có bản tiếng Việt).

2. Nguyên tắc số 3 trong việc chọn lựa

Một ngày của bạn là một chuỗi những quyết định. Có những quyết định rất khó đưa ra bởi bạn phải đứng trước quá nhiều lựa chọn. Lấy ví dụ đơn giản, Tiki đang sale kịch sàn và có rất nhiều món đồ bạn thích tuy nhiên bạn không đủ tiền để trả cho toàn bộ mấy chục món đồ đó, bạn sẽ làm gì?

Bạn có thể thử áp dụng nguyên tắc số 3 trong việc chọn lựa: nếu trong mấy chục món đồ kia, hôm nay chỉ được chọn ra 3 thứ quan trọng nhất ở ngay thời điểm này, bạn sẽ chọn gì?

Tương tự vậy với những danh sách đầu việc hằng ngày hay mục tiêu tuần, tháng, năm. Hôm nay 3 việc quan trọng nhất bạn cần đạt được là gì? Tuần này 3 mục tiêu bạn phải hoàn thành là gì? 3 điều năm nay bạn muốn bản thân dành được là gì?

Việc giới hạn lại theo nguyên tắc số 3 (hoặc một số nào đó bạn muốn) giúp bạn dễ để đưa ra lựa chọn hơn.

3. Hãy ‘tiêu thụ’ thứ bạn chủ động muốn trên mạng xã hội

Hằng ngày chúng ta “tiêu thụ”, nạp vào đầu rất nhiều thông tin trên mạng xã hội. Phần nhiều trong số đó chúng ta không chủ động mà do các thuật toán gợi ý dựa trên những hoạt động của chúng ta trên mạng xã hội.

Chính vì không chủ động, thông tin chúng ta tiêu thụ những ngày này có rất nhiều quảng cáo, và nhiều tin tiêu cực. Điều này làm đau đầu, và “đau ví”.

Để giảm tình trạng đau đầu và đau ví, cũng là một cách để áp dụng tư duy suy nghĩ tối giản, bạn hãy tập chọn cách chủ động tiêu thụ thứ bạn muốn trên mạng xã hội.

Trước khi mở Facebook, Tiktok hay Instagram – hãy dừng lại một giây và suy nghĩ, mình định tìm thông tin gì, chat với ai hay làm gì trên các trang mạng đó. Nếu bạn có một mục đích cụ thể, mở ra và làm đúng theo mục đích đó, rồi tắt. Nếu bạn cần đọc lại tin nhắn của một người, mở nick của người đó đọc, rồi tắt. Đừng lang thang xem newfeed có gì mới không. Đừng ấn vào notification xem có ai mới ‘like’ hay ‘comment’ status bạn mới up không. Tất cả những hành động đó sẽ cuốn bạn vào cơn nghiện mạng xã hội.

Khi tâm trí và suy nghĩ bắt đầu tối giản, đó là bước khởi đầu để bạn có thể bắt đầu tối giản những điều khác xung quanh cuộc sống của mình như tài chính, đồ đạc… Hãy bắt đầu từ bên trong chính mình.