Tôi chấp nhận “trả giá đắt” khi sống ba tối giản

Tôi chấp nhận trả giá vì sống 3 tối giản
5/5 - (1 vote)

Tôi không còn la cà quán xá với bạn bè, không còn tiêu tiền ở mức tám con số khi thực hiện lối sống ba tối giản.

Có lẽ mọi người không còn quá lạ lẫm khi nhắc đến lối sống tối giản. Đó là lối sống chỉ sở hữu những gì làm tăng thêm giá trị và ý nghĩa cho cuộc sống, loại bỏ phần còn lại. Hiện tại tôi bước đầu thực hiện lối sống tối giản, về cả vật chất và tinh thần. Vậy tôi đã “trả giá” như thế nào? Cùng Infina tìm hiểu nhé!

Tôi từng là một người theo chủ nghĩa tiêu dùng. Thói quen chi tiêu của tôi bị ảnh hưởng lớn bởi hai quan điểm.

Một là từ mẹ tôi. Có một suy nghĩ mà tôi thấm nhuần từ mẹ là: “Đời người được bao lâu mà không tiêu xài. Giữ nhiều tiền đến lúc chết cũng không mang được đi theo”. Hồi tôi còn nhỏ, mẹ luôn mua những thứ tốt nhất, chất lượng nhất cho tôi dù có thể giá cả hơi đắt. Mẹ chỉ sợ tôi không được ăn những thứ ngon và không được mặc đồ đẹp như bạn bè.

Tuổi trẻ phải sống 1 lần

Quan điểm thứ hai ảnh hưởng đến lối sống của tôi là “tuổi trẻ chỉ có một lần”. Tôi xài tiền thoải mái, có nhiều tháng chi tiêu tám con số.

Cho đến khi hiểu được ý nghĩa của lối sống tối giản và tự do tài chính, tôi mới biết mình sai như thế nào. Nói thế không có nghĩa là tôi trách mẹ mà hiểu rằng mẹ luôn muốn những thứ tốt nhất cho mình.

Còn số đông, mạng xã hội vẫn luôn điều khiển lối suy nghĩ của chúng ta theo cách họ muốn. Bởi vì mọi người đều theo chủ nghĩa tiêu dùng thì doanh nghiệp mới kiếm được lợi nhuận.

Tôi biết đến lối sống tối giản khi giãn cách xã hội, có nhiều thời gian rảnh. Để sống tối giản, tôi chỉ chi tiền cho những thứ mà mình thực sự cần, thay vì những thứ mình muốn, như ý nghĩa của lối sống tối giản.

Lối sống tối giản thực hiện như thế nào?

Thứ nhất, tôi hạn chế đến mức tối thiểu những bữa nhậu.

Tôi có những người bạn rất “hợp cạ” với mình. Chúng tôi thường xuyên có những bữa liên hoan, ăn uống.

Nhậu nhẹt có đáng để bạn phải trả giá không?
Nhậu nhẹt có đáng để bạn phải trả giá không?

Hiện giờ, tôi đã tối giản mối quan hệ, chỉ đến những bữa liên hoan nào với lý do chính đáng. Tôi hiện giờ thích tâm sự hai người một cách sâu sắc hơn là việc nói những câu chuyện phiếm giữa một đám đông ồn ào.

Trong mối quan hệ, tôi đặt ra những giới hạn mà người khác có thể đối xử với mình. Nếu họ vượt quá giới hạn đó thì tôi sẽ nghiêm túc xem xét lại mối quan hệ đó. Nhiều người cứ sống “ào ào”, “sao cũng được”, thậm chí để người khác làm gì, nói gì cũng kệ rồi đến lúc lại than rằng người khác không tôn trọng mình. Đôi khi phải “trả giá” bằng những mối quan hệ khi nó không đáng với bạn.

Bản thân tôi với phương châm sống là trong các mối quan hệ, mình luôn để đối phương cảm thấy tự do, thoải mái nhất và được là chính họ khi ở cạnh mình. Bởi vì khi nhìn thấy người khác vui vẻ thì tôi cũng cảm thấy vui vẻ. Tôi xem trọng sự tự do của bản thân và cũng tôn trọng sự tự do của người khác.

Thứ hai, tôi thay đổi thói quen ăn uống.

Thói quen ăn uống
Thay đổi thói quen ăn uống

Trước đây tôi ăn vặt rất nhiều, ngày nào cũng ăn vặt. Ngoài các bữa ăn chính, tôi rất hay uống nước ngọt và ăn vặt.

Hiện giờ, số tiền đó tôi dành để mua hoa quả, vừa rẻ hơn vừa tốt cho sức khỏe. Một cốc trà sữa 50 nghìn có thể mua được hai cân lê để ăn trong vòng hai ngày.

Tôi giảm ăn thịt, tăng lượng rau dù trước đây tôi ít khi ăn rau. Cái giá cho việc “trả giá” này chính là không ăn thịt làm cho một suất ăn của tôi giảm từ 25 nghìn xuống còn 15 nghìn (nhưng vẫn đủ no vì rất nhiều rau). Mỗi tháng tôi lại tiết kiệm được thêm một khoản để chi vào những việc có ích hơn. Chế độ ăn mới cũng giúp tôi khỏe khoắn hơn, cơ thể đỡ mệt mỏi.

Thứ ba, tôi tối giản không gian riêng.

Tối ưu không gian riêng
Tối ưu không gian riêng

Tôi bắt đầu dọn lại đồ đạc trong phòng ở. Những thứ không còn dùng được nữa thì thẳng tay vứt đi. Một số đồ tôi cho người khác nếu hữu dụng. Những đồ ít dùng tôi thu gọn để lại một góc trong tủ. Chiếc giường là nơi nghỉ ngơi sau khi đi làm về nên tôi muốn nó gọn gàng nhất để có thể ngả lưng một cách thoải mái. Không gian riêng được tối giản, hơn ai hết chính tôi là người được hưởng lợi.

Những lúc rảnh tôi chọn đọc sách, học một kỹ năng gì đó hay ngồi một mình nhâm nhi một bản nhạc. Tôi cảm thấy việc đọc sách giống như tâm sự với tác giả. Khi đọc được điều gì đó hay sẽ giúp tôi chấp nhận bản thân và suy nghĩ tích cực hơn. Việc học thêm một kỹ năng mới khiến tôi cảm thấy bản thân giá trị hơn, được thỏa mãn nhu cầu tự thấy tiến bộ.

TỔNG KẾT

Khi thực hiện lối sống ba tối giản, tôi đã phải trả giá khá là đắt như: Ít được đi nhậu cùng hội bạn, không được thỏa mãn nhu cầu thuộc về tập thể, không được ăn những đồ ăn vặt mình thích và đôi lúc bị người khác hiểu lầm là sống cá nhân, sống tách biệt với mọi người.

Đổi lại tôi được tự do, thoải mái, tập trung thu lượm những điều hay, ý đẹp hay phát triển bản thân mà không bị làm phiền. Tôi bắt đầu có cái nhìn tích cực hơn, lạc quan hơn về tương lai, về cuộc sống.

Trong quá trình tối giản hóa cuộc sống, tôi bắt gặp một số điều đã làm thay đổi hoàn toàn cách suy nghĩ của mình, cách mình nhìn về cuộc sống. Tôi nhận ra được những điểm không đúng trong suy nghĩ, trong cách sống trước đây. Thật đáng để “trả giá” đúng không?

Lối sống tối giản không phải là đích đến cuối cùng. Đó là một nền tảng không thể thiếu để chúng ta có thể làm được nhiều hơn những việc quan trọng và ý nghĩa, để có thể sống một cuộc đời theo cách mà chúng ta muốn.

Tác giả: Đức Anh

Nguồn: VnEpress

Xem thêm: Đại dịch toàn cầu dạy chúng ta điều gì về chi tiêu lãng phí?