Tin tức

Tiết kiệm hút tiền nhàn rỗi

5/5 - (3 votes)

Với lãi suất tiền gửi ở mức cao, các ngân hàng hút vốn nhàn rỗi trên thị trường, đặc biệt vào thời điểm người dân nhận lương, thưởng cuối năm.

Lãi suất tiết kiệm 9,5%/năm

Vừa nhận được số tiền thưởng 35 triệu đồng, chị Nguyễn Mai (ngụ Q.4, TP.HCM) liền mở app ngân hàng (NH) chuyển từ tài khoản thanh toán sang tài khoản tiết kiệm tích lũy có kỳ hạn 12 tháng với lãi suất 7,4%/năm. Loại hình tiết kiệm này có mức lãi suất thấp hơn tiết kiệm thông thường 1,1%/năm, nhưng kế hoạch của chị Mai là mỗi tháng chuyển một phần thu nhập vào tài khoản tiền nhàn rỗi cho mục đích mua nhà nên chấp nhận lãi suất thấp hơn.

Tương tự, chị Nguyễn Ánh (ngụ Q.7, TP.HCM) cuối năm nhận được một khoản thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Chị Ánh phân vân lựa chọn giữa mua vàng và gửi tiết kiệm. Với mức giá 67 triệu đồng/lượng, chị chỉ có thể mua 1,5 lượng vàng. Mấy ngày nay, giá vàng thế giới tăng khoảng 200 USD/ounce so với thời điểm tháng 10.2022 nhưng giá trong nước đứng bất động ở 67 triệu đồng/lượng. Nhiều người thân tư vấn chị Ánh mua vàng chờ giá tăng hưởng lợi thì biết đến bao giờ, trong khi gửi tiết kiệm thì lời bao nhiêu là biết ngay.

“Gửi tiết kiệm NH kỳ hạn 6 tháng trở lên đã có lãi suất tối đa 9,5%/năm. Tính ra nếu gửi 1 năm, tiền lãi của khoản tiết kiệm cũng đã ở mức 9,5 triệu đồng. Nếu cộng với mức lãi này, giá vàng phải lên 73 triệu đồng/lượng thì người mua mới có lời. Mà lên giá này thì khó lắm, nên tôi chọn gửi tiết kiệm”, chị Ánh chốt.

Ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Viễn Đông, cho rằng gửi tiết kiệm hiện nay vẫn hấp dẫn và mang lại lợi nhuận an toàn nhất. “Nếu mua vàng mà chờ giá lên hơn 73 triệu đồng/lượng thì rất khó, bởi có 2 yếu tố không hỗ trợ giá vàng tăng lên mức giá này trong thời gian ngắn là tỷ giá và lạm phát.

Theo tính toán, giá USD tăng 1% thì giá vàng lên khoảng 600.000 đồng/lượng, nhưng năm 2023 khả năng tỷ giá chỉ dưới 2%. Còn mua vàng để kỳ vọng giá tăng gần 10%/năm là khó khi lạm phát tại Mỹ đã ở đỉnh nên lãi suất trong thời gian tới có tốc độ tăng không nhanh như năm 2022. Chính vì vậy, gửi tiết kiệm hưởng lãi 9,5%/năm vẫn khả thi hơn”, ông Hải phân tích.

Có lẽ cũng nhiều người tính toán như vậy nên chỉ trong 2 tuần đầu tháng 1, một số NH thông tin lượng tiền gửi của khách gia tăng. Từ tháng 10.2022, lãi suất tiết kiệm đã bắt đầu gia tăng khiến lượng tiền gửi của dân cư tính đến cuối tháng 10.2022 đã vượt con số 5,66 triệu tỉ đồng và tiếp tục tăng cao khi cuộc đua cạnh tranh lãi suất huy động vốn tiết kiệm ngày càng nóng.

Để giảm cơn sốt lãi suất, Hiệp hội NH VN đã kêu gọi các NH thực hiện đồng thuận mức lãi suất huy động tối đa 9,5%/năm. Tuy nhiên, đối với lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng gần như đụng mức kịch trần cho phép là 6%/năm.

Lượng tiền gửi người dân tăng nhanh

Theo ông Trần Thanh Hải, đường cong lãi suất của các NH hiện nay cho thấy lãi suất đi ngang hoặc giảm, nghĩa là các NH đang huy động vốn ở mức cao và tình hình thanh khoản đã được giải quyết phần nào. Vì thế trong thời gian tới, lãi suất sẽ giảm trở lại. “Dữ liệu tiền gửi của cá nhân đã lên hơn 5,66 triệu tỉ đồng, xấp xỉ với tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng thể hiện thu nhập của người dân tăng lên và dòng tiền đang trú ẩn vào tiền gửi tiết kiệm nhiều hơn vào các kênh chứng khoán, vàng, bất động sản”, ông Hải nhận định.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân trong thời gian qua chiếm 37,2% trong tổng huy động vốn và có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung, tăng 9,2% so với cuối năm 2021. Đây là diễn biến tích cực, trong bối cảnh năm 2022 có nhiều yếu tố tác động đến tâm lý người dân, người gửi tiền.

Kết quả này phản ánh kênh tiền gửi NH vẫn là kênh đầu tư mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân, an toàn và hiệu quả, tiếp tục phản ánh niềm tin của người dân đối với hệ thống NH, được pháp luật bảo đảm lợi ích người gửi tiền trong mọi trường hợp.

Bên cạnh đó, tiền gửi nhàn rỗi dân cư là bộ phận tiền gửi ổn định nhất, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn khai thác và sử dụng vốn hiệu quả; góp phần hỗ trợ tăng trưởng tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt trên 3,2 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 14% so với cuối năm 2021.

Đây cũng là thời điểm nhiều doanh nghiệp đang phát lương, thưởng cho người lao động sau một năm. Nhiều dự báo cho rằng một phần không nhỏ lượng tiền này sẽ đi vào NH để hưởng lãi suất vẫn đang hấp dẫn nhất trong bảng xếp hạng các kênh đầu tư của năm 2023.

Tác giả: Thanh Xuân

Nguồn: Báo Thanh Niên

Nguyễn Thành

Tôi tên là Nguyễn Phúc Trường Thành, hiện nay tôi đang là người chịu trách nhiệm cho việc sản xuất nội dung liên quan đến lãi suất ngân hàng, tình hình lãi suất hiện nay, các tin tức liên quan đến chứng khoán, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, tiết kiệm hay tích lũy,... Tôi sẽ luôn cập nhật thông tin mới nhất và nhanh nhất đến cho người đọc. Hãy đón chờ những bài viết mới nhất đến từ tôi nhé!

Recent Posts

Tìm hiểu về quỹ đầu tư: Tham gia quỹ đầu tư có khó không?

1. Quỹ đầu tư là gì? Quỹ đầu tư, hay còn gọi là quỹ đại…

3 days ago

Các sản phẩm phổ biến của ngân hàng: CASA, tiết kiệm và chứng chỉ tiền gửi!

1. CASA: CASA là gì? CASA, viết tắt của Current Account Savings Account, là tài…

3 days ago

Cách Tính Quỹ Dự Phòng Tối Ưu

Quỹ dự phòng giúp bạn vượt qua khó khăn tài chính bất ngờ như mất…

3 days ago

TOP 5 bài viết nổi bật tại Cộng đồng Infina tuần 9 – 15/1/2025

1. Chi tiêu Tết 100 triệu đồng: Gia đình Hà Nội ưu tiên khoản biếu…

3 days ago

5 Cách Quản Lý Rủi Ro Tỷ Giá Hiệu Quả

Rủi ro tỷ giá có thể ảnh hưởng lớn đến giá trị đầu tư quốc…

5 days ago

5 Lợi Ích Khi Sử Dụng Tài Khoản Tiết Kiệm Online

Tài khoản tiết kiệm online mang lại lợi ích vượt trội so với cách tiết…

5 days ago