Tin tức

Tiết kiệm 30.000đ mỗi ngày có 2,4 tỷ sau 40 năm: Nên tiết kiệm hay hưởng thụ?

5/5 - (1 vote)

Nhiều người cho rằng tiết kiệm chỉ 30.000đ, tương đương một cốc trà sữa, café sáng mỗi ngày để có thể mua được nhà đất Hà Nội hay TP HCM ở thời điểm hiện nay là điều viển vông. Tuy nhiên, ở góc độ tài chính cá nhân, nhiều người trẻ cũng như chuyên gia đã chỉ ra kết quả ngược lại.

Giới trẻ không tiếc tiền cho thú vui trà sữa, cafe

Với số tiền kiếm được, bạn bỏ bao nhiêu vào trà sữa mỗi tháng? Liệu những số tiền lẻ chi tiêu tưởng chừng như thói quen mỗi ngày ấy thật sự có phung phí và có ý nghĩa gì ngoài 1 lần “mua vui” đối với giới trẻ? Thời gian qua nhiều câu trả lời đã được đưa ra nhưng còn đang gây tranh cãi và dường như chưa có hồi kết.

“Ngày bình thường thì mỗi ngày mình uống một ly. Nếu hôm nào nóng hay cảm thấy căng thẳng quá thì có khi là 2-3 ly”, Nguyễn Diệu Nhi, 24 tuổi, đang làm việc trong ngành thiết kế đồ họa, “khoe” về sở thích uống trà sữa. Cô thừa nhận mình “nghiện” trà sữa. Mỗi tháng, “dân văn phòng” như Nhi có thu nhập khoảng trên 10 triệu đồng thì cô đã ném 1/3 số này vào trà sữa.

Tương tự, Minh Hà, 25 tuổi – một nhân viên văn phòng khác cho hay: “Mình uống khá thường xuyên nhưng không đến mức là con nghiện, trung bình tầm 3 đến 5 cốc trà sữa trong tuần, bao gồm cả khi tự chủ động muốn uống và khi ‘uống thụ động’ như lúc đi chơi với bạn bè. Còn cà phê thì uống hằng ngày cho bữa sáng như thói quen, vậy nên tổng chi phí cho trà sữa, cà phê của mình có thể rơi vào trên 500.000 đến 1 triệu/ tháng.”

“Một bộ phận giới trẻ sẵn sàng chi tới vài triệu đồng mỗi tháng chỉ để uống trà sữa. Với nhiều người số tiền này thậm chí chiếm tới 1/3 thu nhập của họ”

Các thương hiệu trà sữa vẫn thu hút giới trẻ

Cô bạn Phương Linh do sức khỏe nên không uống cà phê hay trà sữa từ xưa. “Nhưng bù lại mình thích uống trà bí đao, đôi khi cũng phải lên tới 70-80.000đ/ngày. Tính ra mỗi tháng cũng ngốn khoảng 2 triệu cho tiền nước uống”, Phương Linh chia sẻ.

Đó là chia sẻ ngắn của 3 cô gái thế hệ Z về số trà sữa và tiền đổ vào trà sữa mỗi tuần. Hầu hết 3 người bạn trên đều tiêu khoảng 500-2 triệu/tháng cho trà sữa và cà phê.

Diệu Nhi cho rằng, việc chi tiêu vài 3 cốc cà phê, trà sữa,… trong tuần cho những khoản này là hoàn toàn xứng đáng. Những cuộc gặp gỡ bạn bè hay uống trà sữa để “lên” tinh thần là cách mà nhiều bạn trẻ ngày nay hay làm và mình cũng không ngoại lệ. Nó cũng giống như nhu cầu thiết yếu của mỗi người thôi, không có gì là quá đáng khi chi tiền mua trà sữa/cà phê cũng như các đồ uống thông thường khác.

Đồng quan điểm, Minh Hà thẳng thắn nói rõ quan điểm, “Uống cà phê sáng giúp mình tỉnh táo làm việc hiệu quả thì hoàn toàn xứng đáng. Hay như uống cà phê, trà sữa lúc hẹn hò với bạn bè thì cũng không có gì phải tính toán do đó giống “phí hẹn hò”, dù không tiêu vào nước uống thì mình vẫn sẽ phải tiêu tiền cho hình thức đi chơi khác thôi.”

Trang tin nổi tiếng ở Singapore The Straits Times mới đây đã đăng tải nghiên cứu mới cho thấy trà sữa đã thực sự tạo ra “cơn sốt” tại thị trường Đông Nam Á với doanh thu khổng lồ lên tới 3,7 tỷ đô la Mỹ (khoảng 86.000 tỷ đồng)/năm. Indonesia, Thái Lan và Việt Nam đứng đầu danh sách các nước tiêu thụ món đồ uống này. Trong đó, người Việt chi khoảng 362 triệu USD (tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng) để uống trà sữa trong một năm.

Người Việt chi khoảng 8.400 tỷ đồng để uống trà sữa trong một năm

Nhiều người sớm gác lại thú vui trà sữa, cafe để tiết kiệm… mua nhà

Trong khi nhiều bạn trẻ mải mê vui chơi và dành khoàn tiền không nhỏ cho những món đồ uống mang tính giải trí như trà sữa, trà tranh, cafe,… thì cũng có không ít bạn trẻ khác đã sớm gác lại những đam mê này để tập trung kiếm tiền, tạo dựng sự nghiệp thậm chí là kịp sở hữu khối tài sản lớn khi còn rất trẻ.

Diệu An, 27 tuổi một nhân viên Marketing tại Hà Nội cho hay, cô vừa nhận bàn giao nhà mới được hơn một tháng. “Hai năm trước, tôi đã dùng tiền tích lũy của cá nhân mua trả góp căn hộ hơn 50m2. Căn nhà với tổng giá trị chưa tới 2 tỷ đồng – tuy không lớn với nhiều người nhưng là tài sản và thành tích tích lũy của tôi sau 5 năm đi làm” – Diệu An.

Từ năm 2017, Diệu An đã bắt đầu đặt mục tiêu sở hữu một ngôi nhà mơ ước. Để làm được điều này, cô lên kế hoạch tiết kiệm khoảng 1,5 tỷ đồng để mua nhà. Kể từ đó, Diệu An bắt đầu kế hoạch tích lũy từ tiền lương chính và thu nhập làm thêm ngoài. Cô cũng ý thức tiết kiệm từng bữa ăn cho đến những chi phí không cần thiết như trà sữa, quà vặt, tập trung ăn hàng quán cùng bạn bè,… “Nhờ đó, hàng tháng tôi tiết kiệm khoảng 60 -80% tiền lương của mình. Khi tự mua được nhà, gia đình của tôi cũng phải bất ngờ với con số ấn tượng này”, cô gái trẻ bày tỏ.

Nhờ gác lại giấc mơ trà sữa để tập trung vào công việc, nhiều bạn trẻ đã sớm mua được nhà riêng trước tuổi 30

Cũng giống như Diệu An, anh Phạm Dũng, 25 tuổi – nhân viên thiết kế đồ họa cũng không ngại ngần chia sẻ về cách chi tiêu tiết kiệm mỗi ngày của mình trong những năm qua.

Anh Dũng cho biết: “Tôi bắt đầu đi làm công việc đầu tiên từ năm hơn 19 tuổi và sau đó đảm nhận một lúc càng nhiều công việc càng tốt, trong đó bao gồm các công việc thiết kế website cho các trang bán hàng online, đồng thời tự kiêm cả việc điều hành một kênh Youtube của riêng mình. Tôi thường nhận được mức thu nhập hàng tháng khoảng 50 – 70 triệu, có thể giảm hoặc hơn tùy lúc.

Cũng nhờ bận rộn với công việc và không có thói quen la cà quán xá nên tôi đã dành đủ tiền mua nhà riêng năm 2021” – Dũng chia sẻ.

Bớt đi 1 cốc trà sữa mỗi ngày… tiết kiệm được 2,4 tỷ sau 40 năm

Với giới trẻ, trà sữa cũng như một “món quà”, “chiến lợi phẩm” được thưởng sau quá trình học tập và làm việc căng thẳng. Nhưng thời gian gần đây cũng đã xuất hiện rất nhiều cuộc tranh luận sôi nổi về chủ đề bỏ số tiền nhỏ mỗi tháng vào các sở thích cá nhân như trà sữa, cafe, hay dùng số tiền này để đầu tư gia tăng thu nhập?

Trong một chương trình chia sẻ về tự do tài chính mới đây, ông Nguyễn Hữu Quang – Tổng Giám đốc Ngân hàng số Cake by VPBank chia sẻ rằng khi còn trẻ không quan tâm lắm đến câu chuyện này. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu sâu về sản phẩm tài chính, vị CEO này hoàn toàn thay đổi quan điểm, cho rằng tiền lẻ cực kỳ quan trọng.

“Giả sử các bạn trẻ không uống 1 ly trà sữa khoảng 30k hay 40k, thay vào đó bỏ tiền vào quỹ tiết kiệm hoặc đầu tư, sẽ khoảng 1 triệu/ tháng. Như cách Einstein từng gọi lãi kép là ‘kỳ quan thứ tám của thế giới’, tiết kiệm mỗi ngày khoảng 30.000đ, để ra 20 năm khoảng 500 triệu, nhưng để 40 năm khoảng 2,4 tỷ. Đôi khi những tiền lẻ chúng ta quên đi, tuy nhiên chỉ cần 1 ngày không uống cà phê hoặc trà sữa, sức mạnh của lãi kép sẽ giúp các bạn trẻ tự nhiên có được một khoản tiền rất lớn.”

“Tiết kiệm mỗi ngày khoảng 30.000đ, để ra 20 năm khoảng 500 triệu, nhưng để 40 năm khoảng 2,4 tỷ đồng” – ông Nguyễn Hữu Quang, Tổng Giám đốc Ngân hàng số Cake by VPBank.

Ông Nguyễn Hữu Quang, Tổng Giám đốc Ngân hàng số Cake by VPBank cho rằng cần tiết kiệm từ những số tiền nhỏ nhất

Nhiều người đặc biệt là những thế hệ lớn hơn cho rằng giới trẻ hiện nay chỉ uống trà sữa, cà phê để “mua vui” là chính chứ không có ý nghĩa thiết thực gì trong mọi mặt kể cả tâm lý. Những câu nói như “sợ không có tiền nên không muốn sinh con nhưng ngày nào cũng uống trà sữa” hay “suốt ngày kêu nghèo mà hôm nào trên tay cũng 1 cốc Starbucks” chắc không còn xa lạ.

Song, Phương Linh thì cho rằng, chi tiền cho bản thân chưa bao giờ sai. “Mình nghĩ nó còn tùy thuộc vào định nghĩa thế nào là ‘nhiều’ trong câu chuyện người trẻ đang chi tiêu rất nhiều tiền để mua vui. Nếu chỉ đơn giản là trích một ít thu nhập ra cho những thứ này thì sao gọi là nhiều được. Còn nếu có ai tiêu hẳn 50%-70% thu nhập để ‘mua vui’ từ thói quen này thì mới thực sự đáng trách. Mình tin rằng con số chi tiêu như vậy là rất ít nên không thể ‘vơ’ cả giới trẻ vào được.

Bây giờ giá nhà cửa xe cộ tăng cao có phải ai cũng có khả năng tích lũy để mua đâu, nên nhiều người nghĩ làm công ăn lương cả đời cũng chả mua nổi 1 căn nhà ở Hà Nội chi bằng dùng tiền đấy thuê nhà sống 1 cuộc sống vui vẻ còn hơn. Nếu bảo dùng tiền đấy để đầu tư thì không phải ai cũng có năng lực đó, có khi không sinh được đồng lãi nào lại còn nợ chồng nợ”, Phương Linh chia sẻ và bảo vệ quan điểm của mình.

Tiết kiệm như thế nào để giàu có hơn mà không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống?

Chia sẻ về bí quyết trở nên giàu có hơn, chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh cho biết chắc mỗi chúng ta đều luôn tự hỏi tại sao một số người lại giàu hơn những người khác? Vậy làm sao để trở nên giàu có?

Theo quan điểm của mình, chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh cho rằng điều quan trọng đầu tiên là chúng ta phải biết tiết kiệm: “Chúng ta không thể chi tiêu tất cả những gì chúng ta kiếm được, mà chúng ta phải tiết kiệm mỗi ngày”.

Để tiết kiệm chúng ta phải sống thấp hơn so với khả năng kiếm tiền của mình. Chúng ta hãy cắt giảm việc mua sắm những vật dụng xa xỉ trong cuộc sống, cắt giảm những chi tiêu không quá cần thiết, không quá quan trọng. Nói một cách khác là chúng ta phải tự trả công cho mình.

“Chúng ta chỉ có thể bắt đầu xây dựng sự giàu có khi chúng ta thật sự nhận ra rằng chúng ta phải giữ lại ít nhất 10%, hoặc nhiều hơn nữa, số tiền mà mình kiếm được”, chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh.

Theo chuyên gia tài chính cá nhân Lâm Minh Chánh, để trở nên giàu có thì mỗi người cần phải biết tiết kiệm và đầu tư thông minh

Bình thường chúng ta luôn phải trả tiền cho người khác vì chúng ta mua hàng hóa, mua dịch vụ của họ. Trước khi trả tiền cho họ, hãy trả cho mình trước, ít nhất là 10% số tiền mà chúng ta kiếm được.

Chúng ta chỉ có thể bắt đầu xây dựng sự giàu có khi chúng ta thật sự nhận ra rằng chúng ta phải giữ lại ít nhất 10%, hoặc nhiều hơn nữa, số tiền mà mình kiếm được.

Nhưng tiết kiệm tiền thì không đủ để chúng ta trở nên giàu có. Chúng ta không thể để tiền tiết kiệm được dưới nệm, hoặc gởi ngân hàng nhận lãi suất thấp.

Việc quan trọng kế tiếp là chúng ta phải tìm kiếm cơ hội đầu tư để tiền tiết kiệm mỗi này của chúng ta được tăng trưởng, sinh sôi nảy nở.

Chúng ta phải đầu tư tiền tiết kiệm mỗi ngày của mình vào những tài sản giúp chúng ta tạo ra nhiều của cải hơn, ví dụ trái phiếu, cổ phiếu hoặc đầu tư cho các công ty khởi nghiệp. Nếu chúng ta đầu tư đúng, khoản tiết kiệm của chúng ta sẽ tăng giá trị, sẽ sinh sôi nảy nở.

“Bí quyết để trở nên giàu có là Tiết kiệm mỗi ngày và Đầu tư một cách khôn ngoan. Bên cạnh đó thì để trở nên giàu có chúng ta hãy cố gắng không mắc nợ”, chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh.

Nếu đang mắc nợ, hãy sống bằng 70% số tiền chúng ta kiếm được. Tiết kiệm 10% cho chính chúng ta và dùng 20% còn lại để trả nợ. Hãy cam kết với kế hoạch. Tiền sẽ tăng trưởng một cách đáng ngạc nhiên và các khoản nợ sẽ biến mất nếu chúng ta nhất quán và kỷ luật bản thân để làm theo kế hoạch.

Và chúng ta cũng không thể nào trở nên giàu có trong thời gian ngắn. Đây là 1 quá trình dài hạn. Nhiều người không bao giờ đạt được mức độ giàu có vì họ không bao giờ thực sự tìm kiếm, tập trung và cam kết, chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh nhấn mạnh.

Tác giả: Hồng Hương – Trung Kiên

Nguồn: Arttimes

Xem thêm:

Nguyễn Thành

Tôi tên là Nguyễn Phúc Trường Thành, hiện nay tôi đang là người chịu trách nhiệm cho việc sản xuất nội dung liên quan đến lãi suất ngân hàng, tình hình lãi suất hiện nay, các tin tức liên quan đến chứng khoán, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, tiết kiệm hay tích lũy,... Tôi sẽ luôn cập nhật thông tin mới nhất và nhanh nhất đến cho người đọc. Hãy đón chờ những bài viết mới nhất đến từ tôi nhé!

Recent Posts

Tìm hiểu về quỹ đầu tư: Tham gia quỹ đầu tư có khó không?

1. Quỹ đầu tư là gì? Quỹ đầu tư, hay còn gọi là quỹ đại…

3 days ago

Các sản phẩm phổ biến của ngân hàng: CASA, tiết kiệm và chứng chỉ tiền gửi!

1. CASA: CASA là gì? CASA, viết tắt của Current Account Savings Account, là tài…

3 days ago

Cách Tính Quỹ Dự Phòng Tối Ưu

Quỹ dự phòng giúp bạn vượt qua khó khăn tài chính bất ngờ như mất…

3 days ago

TOP 5 bài viết nổi bật tại Cộng đồng Infina tuần 9 – 15/1/2025

1. Chi tiêu Tết 100 triệu đồng: Gia đình Hà Nội ưu tiên khoản biếu…

3 days ago

5 Cách Quản Lý Rủi Ro Tỷ Giá Hiệu Quả

Rủi ro tỷ giá có thể ảnh hưởng lớn đến giá trị đầu tư quốc…

5 days ago

5 Lợi Ích Khi Sử Dụng Tài Khoản Tiết Kiệm Online

Tài khoản tiết kiệm online mang lại lợi ích vượt trội so với cách tiết…

5 days ago