Câu chuyện tung tin đồn thất thiệt liên quan một số lãnh đạo doanh nghiệp thời gian gần đây đã kéo theo những tác động xấu đến thị trường chứng khoán và hoạt động kinh tế khác. Các chuyên gia cho rằng, cần phải có chế tài mạnh hơn nữa để bảo vệ nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Câu chuyện nhóm người tung tin đồn trên mạng xã hội về Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng bị cấm xuất cảnh xuất hiện vào cuối tuần qua đã khiến thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các cổ phiếu họ Vingroup lập tức giảm sàn ngay từ phiên giao dịch buổi sáng 11/7.
Trước đó, từ đầu tháng 4 năm nay, thị trường chứng khoán cũng trải qua một phen chao đảo trước tin đồn về ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Gelex. Không ít nhà đầu tư mất hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng vì trót vội bán cổ phiếu khi các thông tin không được kiểm chứng xuất hiện.
Bản thân doanh nghiệp dù đã gần như ngay lập tức phải lên tiếng đính chính tin đồn nhưng cũng không đủ mạnh để nhà đầu tư yên tâm không bán tháo cổ phiếu. Không ít nhà đầu tư khóc ròng vì bị thiệt lớn do tác động của tin đồn.
Chị Nguyễn Minh, một nhà đầu tư chứng khoán cho biết: “Thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với tin đồn. Trước khi có thông tin chính thức từ cơ quan chức năng, nhiều nhà đầu tư tâm lý không vững là lập tức bán cổ phiếu với số lượng lớn kéo theo hiệu ứng domino khiến hàng nghìn nhà đầu tư khác bị vạ lây. Người tung tin đồn dù sau đó bị xử lý hành chính hay hình sự nhưng không có ai bị buộc phải đền cho nhà đầu tư đã mất nhiều tỷ đồng vì những tin đồn thất thiệt mà họ đã đưa ra”.
Trong bối cảnh thị trường khó khăn, những đợt “bão tin đồn” về lãnh đạo một số tập đoàn lớn niêm yết trên thị trường chứng khoán và tin tức bất thường dồn dập được đưa thời gian gần đây đã kéo theo những đợt sóng lớn bán tháo trên thị trường khiến nhà đầu tư mất tiền oan.
Trên một group chứng khoán, tài khoản Bùi Thanh Nga viết: “Chính thức từ bỏ chứng khoán vĩnh viễn, tôi chán lắm rồi, tài khoản đã âm 70%. Hãi lắm rồi”. Câu viết ngắn gọn nhưng nhận về vài ngàn lượt like vì sự đồng cảm, cho thấy tâm trạng của nhà đầu tư bị thua lỗ nặng, chán nản muốn buông bỏ và rời xa chứng khoán. Lướt các diễn đàn, đội nhóm chứng khoán là những lời than vãn, cùng nhiều bức ảnh chụp tài khoản thua lỗ 10-40%. Trong đó không ít nhà đầu tư khẳng định việc tin đồn thất thiệt là nguyên nhân góp phần khiến họ bị thua lỗ.
Về nguyên nhân khiến các tin đồn, tin giả vẫn có đất sống, một số ý kiến cho rằng những chế tài xử lý hiện nay vẫn còn chưa đủ sức răn đe. Trao đổi với PV Tiền Phong, Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, tung tin giả làm ảnh hưởng đến nhà đầu tư, gây nhiễu loạn thị trường là hành vi vi phạm pháp luật. Cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hành chính.
Bên cạnh đó, tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà người phạm tội có thể bị phạt tiền 30-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm theo điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội “ Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”.
Theo luật sư Tú, nếu người đưa những thông tin giả mạo biết rõ là sai sự thật về một sự việc liên quan một người cụ thể mà vẫn tung lên mạng thì đây là hành vi vu khống. Nếu người bị vu khống có đơn đề nghị xử lý hình sự thì người đưa ra thông tin sai sự thật trong trường hợp này sẽ bị khởi tố về tội “vu khống” với mức hình phạt tới 7 năm tù và có thể phải bồi thường thiệt hại gây ra.
Trong trường hợp người bị vu khống, bị tung tin đồn thất thiệt không có đơn trình báo, không yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc xem xét xử lý nhưng những thông tin đưa lên mạng xã hội được xác định là sai sự thật, gây tác động tiêu cực đến đời sống, kinh tế, xã hội, cơ quan điều tra vẫn phải vào cuộc xác minh làm rõ đồng thời đánh giá những hậu quả để có căn cứ xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Nếu hành vi được xác định là đưa thông tin bị cấm trên không gian mạng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, gây ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì có thể bị xử lý hình sự với chế tài có thể tới 7 năm tù”, luật sư Tú nói.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thị trường tài chính nói chung hay thị trường chứng khoán nói riêng cực kỳ nhạy cảm. Khi xuất hiện những tin đồn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của thị trường, tác động mạnh tới những tổ chức, cá nhân hứng chịu các tin đồn này. Thậm chí cả các doanh nghiệp, ngân hàng có liên quan tới họ.
Theo ông Thịnh, thị trường chứng khoán đang có số lượng nhà đầu tư lớn, trên dưới 5 triệu tài khoản, trong đó có nhiều nhà đầu tư mới bước chân vào thị trường. Việc tung tin đồn gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư. Thế nhưng hiện nay có thực tế là dù nhà đầu tư mất tiền nhưng không người tung tin nào bị xử lý hình sự và vẫn chưa ai chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho các tin đồn gây ra với nhà đầu tư.
“Tôi cho rằng, chế tài hiện nay phạt người tung tin đồn quá nhẹ nên không đủ sức răn đe. Tôi kiến nghị tăng mức phạt và phải làm rõ về mục đích của việc tung tin đồn bao gồm: Cố tình câu view gây biến động xã hội; nói xấu, trả thù trên mạng; các nhà đầu cơ tạo sóng cho những loại chứng khoán; hoặc những mục đích để thâu tóm hay phá hoại thị trường”, ông Thịnh nói.
Tác giả: Ngọc Mai
Nguồn: tienphong.vn
1. Quỹ đầu tư là gì? Quỹ đầu tư, hay còn gọi là quỹ đại…
1. CASA: CASA là gì? CASA, viết tắt của Current Account Savings Account, là tài…
Quỹ dự phòng giúp bạn vượt qua khó khăn tài chính bất ngờ như mất…
1. Chi tiêu Tết 100 triệu đồng: Gia đình Hà Nội ưu tiên khoản biếu…
Rủi ro tỷ giá có thể ảnh hưởng lớn đến giá trị đầu tư quốc…
Tài khoản tiết kiệm online mang lại lợi ích vượt trội so với cách tiết…