Một ly cà phê hàng ngày tại Starbucks có giá 4 USD (khoảng 100.000 đồng). Giả sử thay vì uống cà phê, bạn tiết kiệm được 4 USD đó và đầu tư cho tương lai.
Hiền Trang (28 tuổi, nhân viên văn phòng) thường tốn khoảng 100.000 đồng để uống cà phê mỗi ngày. Cô nghĩ khoản chi này hợp lý vì nó giúp tỉnh táo và tăng năng suất công việc. Tuy nhiên, chỉ cần làm một phép tính đơn giản thì mỗi tháng Hiền Trang sẽ tốn 3 triệu đồng để uống cà phê. Con số này là 36 triệu đồng cho một năm.
Minh Đức (25 tuổi, quản lý dự án) cũng thường rơi vào trạng thái “rỗng túi” cuối tháng dù mức thu nhập của anh khá cao, trong khoảng 20-30 triệu đồng.
“Tôi ít mua sắm quần áo, mỹ phẩm, cũng không đi du lịch thường xuyên. Chi tiêu của tôi chủ yếu cho các khoản lặt vặt như ăn uống, đặt xe công nghệ, trả phí một vài ứng dụng. Lúc nào tôi cũng nghĩ mình có tiêu gì đâu mà hết tiền”.
Tuy nhiên, chỉ một tháng theo dõi thử ứng dụng đặt xe, anh phát hiện ra mình tốn hơn 4 triệu đồng/tháng chỉ cho việc di chuyển.
Cả 2 nhân vật này đều đã mắc phải một “cái bẫy” trong chi tiêu, thường được gọi với cái tên Latte Factor hay hiệu ứng ly cà phê.
Latte Factor đã được phổ biến bởi tác giả David Bach. Khái niệm này hiểu đơn giản là những khoản tiền nhỏ được chi tiêu thường xuyên tiêu tốn nhiều hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng.
Đó là một cốc cà phê buổi sáng, một gói đăng ký nghe nhạc trực tuyến… Việc chi tiêu vô thức cho những thứ nhỏ nhặt hàng ngày này không mang lại bất kỳ giá trị nào cho cuộc sống của chúng ta.
Một ly cà phê hàng ngày tại Starbucks có giá 4 USD (khoảng 100.000 đồng). Giả sử thay vì uống cà phê, bạn tiết kiệm được 4 USD đó và đầu tư. 40 năm sau, 4 USD đó trở thành gần 30 USD nếu nó tăng 5% hàng năm. Nếu tốc độ tăng trưởng là 8%, bạn sẽ có 98,10 USD.
Chỉ cần tiếp tục và cắm những con số đó vào bất kỳ máy tính lãi kép nào, bạn sẽ luôn nhận được kết quả tương tự. Vì vậy, trong khi bạn đang chi 4 USD cho một ly cà phê mỗi ngày, bạn thực sự đang bỏ qua 98,10 USD (khoảng 2,4 triệu đồng) thu nhập và tiết kiệm trong tương lai.
Theo Forbes, hiệu ứng latte dù ngắn gọn nhưng vẫn tạo nên một số tranh cãi.
Không ít người cho một ly cà phê giá vài chục nghìn đồng là đắt, không thực tế. Việc tăng trưởng của các khoản đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào lãi suất tăng/giảm hay lạm phát. Ngoài ra, việc tiết kiệm hay thậm chí là cần kiệm như thế không phù hợp với Gen Z – thế hệ thích hưởng thụ và trải nghiệm.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt của latte factor là mỗi người cần chú ý cân đối chi tiêu, hạn chế xài tiền ngoài dự tính và biết cách đầu tư. Từng đồng tiền đều có tiềm năng sinh lãi, quan trọng là cách bạn khéo léo sử dụng.
Ăn ngoài và cà phê là một trong những điều đầu tiên cần cắt giảm khi bắt đầu học cách kiểm soát thói quen chi tiêu hàng ngày của mình. Thay vì uống cà phê mỗi ngày, bạn có thể thử uống cách ngày và sau đó mang cà phê tự pha từ nhà vào những ngày bạn không mua cà phê. Thay vì ăn trưa hàng ngày, hãy thử ăn ngoài hàng ngày.
Nếu bạn chỉ đến phòng tập thể dục mỗi tháng một lần, có lẽ đã đến lúc hủy thẻ thành viên dài hạn.
Thay vì lái xe đi làm hàng ngày, bạn có thể thử đi xe bus đến nơi làm việc hoặc tìm một đối tác đi chung xe. Bạn không thường xuyên xem phim? Hãy hủy bỏ gói đăng ký Netflix.
Tất nhiên, bạn không nhất thiết phải ép bản thân không được uống cà phê mỗi ngày nếu nó giúp bạn tỉnh táo để làm việc. Kiếm tiền có ích gì nếu chúng ta không thể tận hưởng nó? Đó là lý do tại sao việc thay đổi thói quen chi tiêu của chúng ta liên quan đến những điều chỉnh nhỏ, thay vì thay đổi hoàn toàn 180 độ.
Thực tế là một số vật dụng nhỏ hàng ngày chúng ta mua là một số niềm vui đơn giản của cuộc sống. Chúng là một niềm vui khi có thể tiêu số tiền mà chúng ta làm việc chăm chỉ.
Bài học lớn latte factor là tìm ra điều gì thực sự quan trọng đối với bạn và sắp xếp các ưu tiên theo thứ tự. Bạn cần nghiêm túc xem xét chi tiêu hàng ngày để xem liệu những chi tiêu nào đang được thực hiện một cách vô thức vào những thứ không quan trọng và không mang lại giá trị hay niềm vui lâu dài. Đó là thứ mà chúng ta nên loại bỏ.
Ngoài ra, việc tiết kiệm cũng trở nên có giá trị hơn khi bạn có một mục đích rõ ràng. Bạn đang tiết kiệm để làm gì? Lý do cuối cùng khiến bạn từ chối tách cà phê hôm nay là gì? Không có mục đích, việc bỏ qua một tách cà phê dường như không đáng giá.
Tuy nhiên, nếu bạn nói với bản thân rằng hôm nay tôi sẽ từ bỏ tách cà phê này để có thể có thêm tiền trả trước cho căn nhà của mình, thì điều đó khiến bạn phấn khích và tạo ra một mục tiêu thực sự trong việc tiết kiệm cho tương lai – một mục đích thực sự.
Con đường dẫn đến sự giàu có về tài chính sẽ không dễ dàng. Tuy nhiên, việc biết mình cần gì và không cần gì thực sự có thể giúp bạn sống cuộc sống thoải mái mà không phải vay nợ hoặc tiêu quá nhiều vào tín dụng.
Tác giả: Diệu Thanh
Nguồn: Zing
Xem thêm:
1. Quỹ đầu tư là gì? Quỹ đầu tư, hay còn gọi là quỹ đại…
1. CASA: CASA là gì? CASA, viết tắt của Current Account Savings Account, là tài…
Quỹ dự phòng giúp bạn vượt qua khó khăn tài chính bất ngờ như mất…
1. Chi tiêu Tết 100 triệu đồng: Gia đình Hà Nội ưu tiên khoản biếu…
Rủi ro tỷ giá có thể ảnh hưởng lớn đến giá trị đầu tư quốc…
Tài khoản tiết kiệm online mang lại lợi ích vượt trội so với cách tiết…