Theo Wall Street Journal, những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu cùng tình hình bất ổn ở châu Âu đang đẩy giá trị USD lên cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
WSJ Dollar Index, chỉ số đo lường USD với 16 loại tiền tệ, đã vọt lên mức cao nhất trong vòng 20 năm và tăng 2,5% tính riêng tháng này.
Mới đây, giá trị giao dịch của euro đã rơi xuống ngưỡng tương đương USD, mức thấp nhất kể từ năm 2002. Tương tự, đồng yen Nhật cũng giảm xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ cuối thế kỷ 20.
Con dao hai lưỡi
Các nhà quản lý tài sản tin rằng Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ tìm mọi biện pháp để ngăn giá tiêu dùng gia tăng. Mới đây, cơ quan quản lý Mỹ thông báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng lên 9,1%, đưa lạm phát hàng năm lên ngưỡng cao nhất trong vòng 40 năm qua.
FED dự kiến có đợt tăng lãi suất lên đến 0,75 điểm % vào cuối tháng này, từ đó nới rộng sự chênh lệch tỷ giá giữa các loại tiền tệ. Hiện tại, tiền tệ đang là kênh thu hút dòng tiền của nhiều nhà đầu tư.
Sức mạnh của USD là con dao hai lưỡi đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ. Tuy thúc đẩy nhu cầu mua hàng trong nước, tỷ giá USD có thể ảnh hưởng đến doanh thu của các công ty đa quốc gia.
Vào tháng 6, Microsoft đã phải hạ dự báo lợi nhuận. Trước đó hồi tháng 4, doanh nghiệp này cho biết tỷ giá USD đã gây thiệt hại 300 triệu USD doanh thu trong 3 tháng đầu năm.
Sức mạnh của USD tác động đến mọi mặt hàng từ dầu mỏ cho đến đồng, thậm chí làm tổn thương các nền kinh tế thị trường mới nổi, vốn nắm trong tay các khoản nợ nước ngoài bằng USD.
“Đồng USD sẽ là cơn gió đẩy lùi lợi nhuận”, ông Adam Crisafulli, người sáng lập công ty trí tuệ thị trường Vital Knowledge, nhận định.
Thời gian tới, giới quản lý tiền tệ sẽ dõi theo cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) để tìm kiếm hướng đi cho đồng euro. Các nhà phân tích kỳ vọng ECB sẽ có động thái tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2011.
Không giống cơ quan quản lý Mỹ, ECB và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ. Mới đây, Ngân hàng Trung ương Canada gây ngạc nhiên cho giới đầu tư khi quyết định tăng 1 điểm phần trăm lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát và thắt chặt thị trường tiền tệ.
Vẫn còn dư địa tăng
Trước những vấn đề liên quan đến năng lượng và lạm phát, phần lớn bắt nguồn từ cuộc chiến tại Ukraine, tỷ giá quy đổi euro sang USD đã giảm gần 15% trong năm qua. Dữ liệu của Depository Trust & Clearing cho thấy khối lượng quyền chọn bán của euro vẫn tiếp tục tăng nhanh.
Đồng yên đã giảm khoảng 20% so với USD trong năm qua. Dẫu vậy, BOJ giữ nguyên cam kết duy trì chính sách lãi suất thấp, bao gồm việc kiểm soát chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu ngắn hạn và dài hạn (đường cong lợi suất) bất chấp dấu hiệu của lạm phát.
“Với việc BOJ không có động thái theo tỷ giá hoặc mục tiêu đường cong lợi suất, hiệu suất của đồng yen sẽ phụ thuộc vào diễn biến lợi suất của Mỹ”, ông Shaun Osborne, chiến lược gia tiền tệ tại Scotiabank, cho biết.
Sức mạnh của USD đang lan rộng ra ngoài châu Âu và Nhật Bản. Hầu hết đơn vị tiền tệ được dùng để đo lường tâm lý về tăng trưởng kinh tế và chứng khoán, chẳng hạn dollar Australia, đều giảm những ngày gần đây.
“Những lo ngại về lãi suất, lạm phát, bất ổn kinh tế ở châu Âu hay tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đang đến cùng một lúc”, ông Steve Englander, người đứng đầu chiến lược vĩ mô Bắc Mỹ tại Standard Chartered, nhận định.
Giới phân tích Phố Wall dự đoán USD sẽ tiếp tục tăng cao khi lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng. Morgan Stanley cũng đã nâng dự báo về sức mạnh USD vào tuần trước. Ngân hàng này còn dự báo tỷ giá giao dịch euro sẽ rơi về mốc 1 euro đổi 0,97 USD vào cuối tháng 9.
Theo ông Michael Feroli – nhà kinh tế trưởng tại JPMorgan – biên bản của FED vào tháng 6 cho thấy USD vẫn còn dư địa tăng thêm. Tài liệu còn phản ánh sự mạnh tay của ngân hàng trung ương đối với vấn đề dập tắt lạm phát.
“Họ chấp nhận đánh đổi tăng trưởng để bình ổn giá cả”, vị này nhận định.
Tác giả: Ngọc Phương Linh
Nguồn: Zing.vn