Gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng: Lãi suất chênh lớn, nên chọn ngân hàng nào?

Gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng: Lãi suất chênh lớn, nên chọn ngân hàng nào?
5/5 - (1 vote)

Ghi nhận với 20 ngân hàng, lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng đang được nhiều đơn vị điều chỉnh tăng mạnh. Mức chênh lệch lãi suất với kỳ hạn này giữa các ngân hàng cũng khá cao.

Lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức cao

Ghi nhận của PV Lao Động lúc 2h30 ngày 25.10, Ngân hàng Kiên Long đang niêm yết mức lãi suất cho kỳ hạn 12 tháng cao nhất thị trường.

Cụ thể lãi suất tiền gửi trực tuyến của khách hàng các kỳ hạn 12-15-18-24-36 tháng đều niêm yết ở ngưỡng 8,6%/năm. Các kỳ hạn thấp hơn cũng ở ngưỡng khá cao, cụ thể: 8,3% đối với kỳ hạn 9 tháng, 8,1% với kỳ hạn 6 tháng, 5% cho các kỳ hạn 1-2-3 tháng.

gửi tiết kiệm 12 tháng
Lãi suất trực tuyến được Ngân hàng Kiên Long niêm yết sáng ngày 25.10. Ảnh chụp màn hình website Ngân hàng Kiên Long.

Trong khi đó, nếu giao dịch trực tiếp tại quầy, lãi suất ngân hàng này thấp hơn khá nhiều. Cụ thể, Ngân hàng Kiên Long niêm yết lãi suất tại quầy kỳ hạn 12-13-15-18-24-36 tháng ở mức 8,3%/năm. Các kỳ hạn khác có lãi khá thấp, cụ thể Ngân hàng Kiên Long trả lãi 6,7%/năm với kỳ hạn 17 tháng, 6,75%/năm với kỳ hạn 60 tháng.

Ngoài Ngân hàng Kiên Long, một số đơn vị khác cũng điều chỉnh lãi suất với kỳ hạn 12 tháng ở ngưỡng cao, trên 8% như SCB, ABBank, VietABank, NamABank…

gửi tiết kiệm 12 tháng
So sánh lãi suất ngân hàng cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng. Số liệu được sử dụng vào ngày 24.10. Biểu đồ: Trà My

Mức lãi suất trung bình được các ngân hàng niêm yết với kỳ hạn gửi tiết kiệm 12 tháng đang ở quanh ngưỡng 7,4%/năm; có thể kể đến TPBank (7,5%/năm – áp dụng gói tiết kiệm Đắc Lộc); CBBank áp dụng mức lãi 7,45%/năm (trả lãi cuối kỳ); Ngân hàng Đại dương có lãi 7,3%/năm (áp dụng hình thức gửi online)….

Một số ngân hàng khác có mức lãi suất thấp hơn, niêm yết quanh ngưỡng 6,4-6,8%/năm.

Chênh lệch lãi suất lớn, nên chọn ngân hàng nào?

Nếu có trong tay khoản tiền 300 triệu và muốn gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, bạn có thể tính bài toán kinh tế thông qua công thức:

Tiền lãi = tiền gửi x lãi suất %/12 x số tháng gửi.

Như vậy nếu bạn gửi ở Ngân hàng A với lãi suất cao nhất 8,6%/năm, số tiền bạn nhận được là: 300 triệu đồng x8,6%/12×12 = 25,8 triệu đồng.

Trong khi đó ,nếu gửi ở Ngân hàng B với lãi suất 6,4%/năm, số tiền bạn nhận được sẽ là: 300 triệu đồng x 6,4%/12×12 = 19,2 triệu đồng.

* Thông tin về lãi suất chỉ mang tính chất tham khảo và có thể thay đổi trong từng thời kỳ. Vui lòng liên hệ điểm giao dịch gần nhất hoặc hotline các ngân hàng ‎để được tư vấn cụ thể.

Để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, NHNN quyết định điều chỉnh các mức lãi suất. Quyết định có hiệu lực từ ngày 25.10.2022.

Theo đó, tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm. Lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD từ 6,0%/năm lên 7,0%/năm.

Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,5%/năm lên 1,0%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm. Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường.

Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế tăng từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này tăng từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm.

Tác giả: Khương Duy

Nguồn: Lao động