Diễn biến thị trường giằng co, khó dự báo và nhà đầu tư vẫn nên duy trì tỷ trọng đầu tư cân bằng, tranh thủ giao dịch nhanh cho đến khi xu hướng mới được xác lập.
Mặc dù có những phiên biến động mạnh do thông tin quốc tế, VN-Index vẫn kịp hồi phục để ghi nhận mức tăng 0,1% trong tuần qua. Thị trường có sự phân hóa mạnh và khá cân bằng từ số cổ phiếu tăng giảm (53% cổ phiếu giảm) đến số ngành (10/19 ngành giảm).
Diễn biến các ngành vẫn cho thấy nhà đầu tư tập trung giao dịch nhanh với biên lợi nhuận mỏng trong bối cảnh xu hướng chưa rõ ràng. Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh trong tuần là yếu tố hỗ trợ thị trường. Dù vậy, diễn biến thị trường giằng co, khó dự báo và nhà đầu tư vẫn nên duy trì tỷ trọng đầu tư cân bằng, tranh thủ giao dịch nhanh cho đến khi xu hướng mới được xác lập.
Đầu tư công tiếp tục nóng lên trong tuần qua khi Thủ tướng ký chỉ thị 08 ngày 23/3 về nhiệm vụ giải pháp đẩy mạnh phân bổ, giải ngân đầu tư công. Chỉ thị nêu rõ giải ngân đầu tư công là một trong nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu.
VN-Index tiếp tục mở rộng đà hồi phục trong ngày cuối tuần trong bối cảnh thị trường tiếp tục nhận được động lực từ khối ngoại. Mặc dù vậy, do cung chốt lời gia tăng sau các phiên tăng điểm liên tục, xu thế chính của VN-Index trong ngày cuối tuần và giằng co trên tham chiếu. Chỉ số đóng cửa tại ngưỡng 1.046,79 điểm (tăng 0,16%).
Khối lượng giao dịch cải thiện đáng kể so với phiên liền trước cũng như mức bình quân 20 phiên, đạt hơn 506,9 triệu đơn vị. Khối lượng tăng tốt tuy nhiên nến ngày của chỉ số mang tính chất Doji, cho thấy tính chủ động của bên chốt lời trong phiên.
Trong ngắn hạn, xu thế chính của VN Index vẫn là side-way. Kháng cự gần quanh vùng 1.050-1.060 điểm trong khi hỗ trợ gần quanh ngưỡng 1.030 điểm.
Tuần vừa rồi thị trường tăng điểm rất nhẹ và gần như đi ngang, kết tuần VN-Index tăng 1,65 điểm (0,16%) với khối lượng tiếp tục thấp hơn tuần trước và thấp hơn bình quân 5 tuần vừa qua.
Với trạng thái hiện tại thị trường đang có xu hướng tích lũy, VN-Index chưa thể trở lại kênh tăng ngắn hạn trong bối cảnh thanh khoản toàn thị trường tiếp tục cạn kiệt dần.
Xét trên góc nhìn kỹ thuật VN-Index đang hướng tới khu vực cân bằng để tích lũy trung hạn với biên độ hẹp và khối lượng giao dịch thấp, do VN-Index đang nỗ lực duy trì được vận động trên đường MA20 nên khả năng hồi phục ngắn hạn vẫn có thể xảy ra nhưng khả năng thị trường vẫn tiếp tục sideway kéo dài bởi khối lượng giao dịch chưa có tín hiệu tăng lên.
Thị trường tiếp tục tăng điểm nhưng mức tăng đã bị kiềm hãm trở lại. Thanh khoản tăng so với phiên trước kèm với động thái hạ nhiệt cuối phiên cho thấy nhà đầu tư đang tranh thủ bán ra khi VN-Index tiến đến vùng 1.050-1.055 điểm.
Với trạng thái đang gia tăng của nguồn cung, dự kiến nhịp hồi phục của thị trường sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới. Tuy nhiên, nguồn cung cũng chưa gây sức ép lớn khi thị trường lùi bước dẫn đến khả năng dao động đi ngang và thăm dò cung cầu của thị trường trong tuần mới.
Nhà đầu tư tạm thời vẫn nên quan sát dao động thăm dò của thị trường và giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý. Đồng thời tận dụng những nhịp hồi phục của thị trường để chốt lời hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của VN-Index, VNMidcap tạm cải thiện lên tích cực, tương đồng với VN30 trong khi tín hiệu của VNSmallcap và HNX-Index cải thiện lên trung tính. Trong khi đó, VN30 đang là chỉ số đầu tiên có sự cải thiện về tín hiệu kỹ thuật trung hạn.
Dự báo trong phiên giao dịch tới, việc vượt qua đường EMA20 chưa dứt khoát của VN-Index có thể sẽ thúc đẩy lực bán khiến chỉ số điều chỉnh để kiểm định lại vùng hỗ trợ này tại 1.045 điểm.
Ở kịch bản tích cực nếu lực bán yếu trong nhịp điều chỉnh, lực mua được thúc đẩy từ sự hỗ trợ sẽ chiếm ưu thế trở lại và có thể giúp VN-Index tăng điểm sau đó để kiểm định kháng cự tiếp theo là đường EMA50 tại 1.050 điểm. Vượt qua mốc này, VN-Index sẽ kéo dài đà tăng lên vùng 1.065-1.070 điểm. Ngược lại, ở kịch bản xấu, nếu lực bán chiếm ưu thế khiến VN-Index giảm xuống dưới hỗ trợ EMA20 khi đóng cửa, đà hồi phục hiện tại của chỉ số sẽ bị thách thức.
Thị trường trong nước chốt tuần bằng phiên tăng thứ tư liên tiếp đã bù đắp những gì “đã mất” ở phiên giảm mạnh đầu tuần. Tuy vậy đây vẫn là tuần tăng nhẹ trong xu hướng đi ngang kéo dài 4 tuần gần đây. Hỗ trợ thị trường ngược dòng thành công trong tuần vừa qua là dòng tiền ngoại qua kênh ETF giải ngân mạnh, chủ yếu là quỹ ETF Fubon.
Thanh khoản trên toàn thị trường đạt 10.691 tỷ đồng, tăng 23,7% so với phiên hôm qua và cao nhất trong 4 phiên vừa qua. Tuy vậy thanh khoản bình quân tuần này vẫn thấp hơn 15,3% so với tuần trước.
Tuần vừa rồi, phần lớn cổ phiếu tăng giá tập trung chủ yếu ở danh mục mà ETF Fubon giải ngân, một số nhóm cổ phiếu có mức tăng tốt trong tuần như: Vingroup, chứng khoán, bất động sản, đầu tư công, … Về kỹ thuật, khu vực 1.050 điểm có thể là vùng cản ở nhịp phục hồi kỹ thuật này, các hợp đồng tương lai cũng đóng cửa ở trạng thái chiết khấu rủi ro ở tuần mới, nhà đầu tư có thể chốt lời từng phần.
Lưu ý: Khuyến cáo từ các công ty chứng khoán trên đây chỉ mang tính chất tham khảo đối với nhà đầu tư. Các công ty chứng khoán cũng đã tuyên bố miễn trách nhiệm với các nhận định trên.
Tác giả: Mai Chi
Nguồn: Dân trí
1. Quỹ đầu tư là gì? Quỹ đầu tư, hay còn gọi là quỹ đại…
1. CASA: CASA là gì? CASA, viết tắt của Current Account Savings Account, là tài…
Quỹ dự phòng giúp bạn vượt qua khó khăn tài chính bất ngờ như mất…
1. Chi tiêu Tết 100 triệu đồng: Gia đình Hà Nội ưu tiên khoản biếu…
Rủi ro tỷ giá có thể ảnh hưởng lớn đến giá trị đầu tư quốc…
Tài khoản tiết kiệm online mang lại lợi ích vượt trội so với cách tiết…